Việt Nam chọn chiến lược chủ động trong 4.0

Việt Nam chọn chiến lược chủ động trong 4.0

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Cơ hội để Việt Nam tăng tốc trong cuộc cách mạng 4.0 bắt đầu.

Chọn chủ động bằng thể chế

Vài ngày trước khi Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 diễn ra tại Hà Nội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

“Đây là nghị quyết rất quan trọng, khi thống nhất rõ quan điểm về 4.0, từ đó yêu cầu rõ ràng về hoàn thiện thể chế, thúc đẩy sự tham gia của cả nền kinh tế”, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định.

Vốn là người tham gia khá nhiều đề án, kế hoạch liên quan đến 4.0 trong suốt mấy năm qua, ông Cung hiểu rất rõ những lúng túng trong nhận thức về vấn đề này trong hoạch định chính sách, quản lý nhà nước. Không ít đề xuất liên quan đến các mô hình kinh tế mới, ý tưởng kinh doanh mới bị đình trệ bởi sự không rõ ràng trong tư duy của các cơ quan quản lý nhà nước.

Gần 2 năm qua, Ngân hàng Nhà nước chưa thể hoàn thành dự thảo nghị định về sandbox chính vì sự mới mẻ, thậm chí khác lạ của tư duy này so với cách truyền thống. Ngay cả khái niệm doanh nghiệp “make in Việt Nam” mới được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra cũng đang vấp phải những khó khăn khi đưa vào thực thi.

“Khá nhiều ý kiến cho rằng, các cơ chế, ưu đãi theo quy định hiện hành chỉ dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ hay doanh nghiệp công nghệ cao..., nên không thể bổ sung cơ chế cho loại hình này. Nếu chỉ căn cứ vào cơ chế hiện hành để xử lý các vấn đề mới phát sinh, nếu các bộ chỉ nhìn vào “sân” của mình, thì Việt Nam không thể bước vào 4.0, chứ chưa nói để tận dụng cơ hội”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Cũng phải nhắc lại rằng, trong các cuộc bàn luận trước đây liên quan đến cuộc cách mạng 4.0, giới phân tích kinh tế luôn nhấn mạnh, với Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ, mà là cuộc cách mạng về thể chế.

“Trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, một trong những tiêu chí quan trọng nhất dùng để đo lường bằng tốc độ. Vì thế, thể chế, chính sách cũng phải thay đổi rất nhanh, phải thực sự linh hoạt và tiến kịp cùng với sự thay đổi của công nghệ và các loại mô hình kinh doanh mới. Điều này đòi hỏi sự thay đổi về tư duy. Sẽ không có chỗ cho tư duy truyền thống trong không gian của đổi mới và sáng tạo”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Cơ hội hành động

Hơn 40 CEO đến từ các tập đoàn lớn trên thế giới sẽ có mặt trong diễn đàn nói trên, hầu như có đủ tên tuổi lớn trong ngành liên quan đến 4.0 như Ericsson, Bosch, Dell, ABB, ZTE, Qualcomm, Siemen, Schneider Electric, HIKVISION... “Các doanh nghiệp này đã đăng ký tham gia từ rất sớm”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ thông tin trong cuộc họp báo về Diễn đàn.

Phải nhắc lại, Diễn đàn và Triển lãm là sự kiện thường niên do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì và chỉ đạo chuyên  môn. Cả ba lần, các thương hiệu hàng đầu thế giới xuất hiện đều đặn.

Trong các cuộc bàn luận, giới phân tích kinh tế luôn nhấn mạnh, với Việt Nam, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế.   

“Cùng với các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp lớn của thế giới nhìn thấy cơ hội của chính họ trong sự phát triển của Việt Nam trong cuộc cách mạng 4.0. Nhưng chúng tôi cũng chờ đợi các ý kiến, khuyến nghị chính sách từ cộng đồng kinh doanh, để tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh mục tiêu tổ chức Diễn đàn năm 2019.

Nhưng trên hết, các doanh nghiệp muốn có thông tin chi tiết, cập nhật về các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” sẽ là nội dung chính của Diễn đàn lần này. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ giới thiệu nội dung của Dự thảo Chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu nội dung chuyển đổi số, các định hướng chiến lược của ngành công nghệ thông tin và viễn thông để cụ thể hóa Nghị quyết.

“Định hướng của Nghị quyết sẽ phải được thực hiện ngay bằng các chính sách cụ thể, để Việt Nam không thể bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào từ cuộc cách mạng này”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Tin bài liên quan