Việc tăng khai thác 2 triệu tấn dầu thô 2015 chỉ là “vạn bất đắc dĩ”

"Nếu xăng dầu thành phẩm mua về sử dụng, dầu thô phục vụ nhà máy lọc dầu mà mua ở nước ngoài rẻ hơn thì nên mua về, còn tài nguyên, khoáng sản trong nước phải coi là của để dành". Đây là nhận định trên của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khi trao đổi về triển vọng kinh tế 2016.
Việc tăng khai thác 2 triệu tấn dầu thô 2015 chỉ là “vạn bất đắc dĩ”

Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 5,46%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 là 6,12%. Nhiều  cân đối vĩ mô khác như xuất - nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp, lạm phát… đều không như mong đợi, vậy mà ông nói mừng là sao?

Quý I/2016 là quý đầu tiên thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, đáng ra tăng trưởng GDP phải cao hơn, làm điểm tựa để các quý sau và các năm sau đạt cao hơn thì mới mừng. Nhưng tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay lại giảm đột ngột so với quý IV/2015 là 7,01% cũng như 4 quý năm 2015 mà tôi vẫn nói là mừng vì Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mạnh dạn công bố con số thật, không làm đẹp để “động viên” mọi người phấn đấu hoàn thành kế hoạch.

Trong thời gian này, những nền kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến nước ta là Nhật Bản và EU tăng trưởng ở mức thấp, Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi tiếp tục suy giảm. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đã khiến nhiều tỉnh miền núi phía Bắc bị rét đậm, rét hại; các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bị hạn hán nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, khiến tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, thay vì phải tăng 2,5% như kế hoạch. Đặt trong bối cảnh này thì đạt tốc độ tăng trưởng 5,46% là điều đáng mừng.

Tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại là do biến đổi khí hậu, là do kinh tế thế giới, nói chung là tại… khách quan?

Cuối tuần này, khi thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, các số liệu đã đầy đủ, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận, mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm, ngoài thiên tai và tác động của kinh tế thế giới, từ đó tìm ra giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 đã được Quốc hội đặt ra. Con người ta sợ nhất là không biết được bệnh, còn khi đã biết được bệnh, thì ắt có cách chữa, chứ không đổ lỗi cho số phận hay khách quan.

“Thần dược” đó là đào thêm 2 triệu tấn dầu thô lên bán, thưa ông?

Đúng là mỗi khi kinh tế tăng trưởng chậm hay dầu thô được giá, chúng ta thường đẩy mạnh khai thác dầu thô, như năm 2015, khai thác thêm hơn 2 triệu tấn dầu thô. Việc tăng khai thác dầu thô chỉ là “vạn bất đắc dĩ”. Theo quan điểm của tôi, nếu giá dầu thấp, khai thác không hiệu quả, chứ chưa nói là lỗ, thì nên giảm khai thác.

Hội nhập là phải biết tận dụng tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm hàng hóa giá rẻ của thế giới. Vì vậy, tôi cho rằng, nếu xăng dầu thành phẩm mua về sử dụng, dầu thô phục vụ nhà máy lọc dầu mà mua ở nước ngoài rẻ hơn thì nên mua về, còn tài nguyên, khoáng sản trong nước phải coi là của để dành.

Nếu vậy thì làm sao có thể đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2016?

Trước hết, phải khẳng định rằng, bất cứ chỉ tiêu kinh tế vĩ mô nào được Quốc hội thông qua cũng đều được tính toán trên cơ sở mức đạt được của năm cũ và dự kiến năm sau và thường đặt ở mức thấp hơn so với khả năng có thể đạt được. Năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,68% và tăng dần qua từng quý, thì mức tăng trưởng 6,7% của năm nay hoàn toàn có thể đạt được.

Nếu xăng dầu thành phẩm mua về sử dụng, dầu thô phục vụ nhà máy lọc dầu mà mua ở nước ngoài rẻ hơn thì nên mua về, còn tài nguyên, khoáng sản trong nước phải coi là của để dành.

Tôi không hề chủ quan khi đưa ra nhận định này, vì thực tế cho thấy, Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và 2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang ngấm dần.

Minh chứng rõ nét là, trong 3 tháng đầu năm nay, có 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 186.000 tỷ đồng, tăng gần 25% về số lượng và tăng hơn 67% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5%. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là gần 9.380 doanh nghiệp, tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là nhân tố quan trọng nhất để tôi tin rằng, năm 2016 hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7%, thậm chí còn cao hơn, vì tốc độ tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, chứ không phải nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vì lĩnh vực này chỉ đóng góp 18% trong tổng GDP và ngày càng giảm xuống.

Tin bài liên quan