Vì sao Việt Nam phát hành Sách trắng trong khi trên thế giới rất ít nước thực hiện?

Toàn bộ dữ liệu, số liệu về thực trạng doanh nghiệp lần đầu tiên được cập nhật, tổng hợp trong một ấn phẩm duy nhất - Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam. “Sách trắng không giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, chính sách phát triển doanh nghiệp, mà còn là cuốn cẩm nang thực sự hữu ích cho doanh nghiệp”, TS. Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) bình luận.

Trên thế giới, hầu như không nước nào biên soạn, phát hành “sách trắng về doanh nghiệp”. Thưa ông, vì sao Việt Nam lại phát hành ấn phẩm đặc biệt này?

Năm 2019, lần đầu tiên, Việt Nam biên soạn và phát hành Sách trắng. Đây là ấn phẩm đầy đủ nhất, cập nhật nhất toàn bộ thông tin, dữ liệu liên quan đến thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, được cụ thể hóa, chi tiết đến từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh và từng địa phương.

Vì sao Việt Nam phát hành Sách trắng trong khi trên thế giới rất ít nước thực hiện? ảnh 1

TS. Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê).

Những thông tin hữu ích, kịp thời được tổng hợp trong một ấn phẩm chính thống, duy nhất, không chỉ giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế bền vững và hiệu quả, mà còn là cuốn cẩm nang cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trong đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư. Vì vậy, sau lần đầu tiên phát hành, Sách trắng sẽ được biên soạn, phát hành thường niên vào quý I hằng năm, thay vì quý III như năm nay.

Còn vì sao, Việt Nam phát hành Sách trắng trong khi trên thế giới rất ít nước thực hiện, là bởi doanh nghiệp hiện đóng góp trên 60% vào GDP, là bộ phận quan trọng nhất trong đóng góp và quyết định quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Với vai trò quan trọng như vậy, cần phải có những đánh giá chính xác sự phát triển của doanh nghiệp và mức độ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương. Năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố “Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp” hàng năm và bây giờ là phát hành Sách trắng.

Từ năm 2018 đã công bố “Bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp” rồi thì có cần thiết phải phát hành Sách trắng nữa không?

Bộ chỉ tiêu lựa chọn một số chỉ tiêu đo lường mức độ phát triển doanh nghiệp hằng năm của các địa phương như số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp thực tế hoạt động, thu hút lao động, thu hút vốn đầu tư, doanh thu, giá trị gia tăng, lợi nhuận, nộp thuế, đầu tư đổi mới công nghệ… Đây là những số liệu rất quan trọng nhằm đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

Tuy nhiên, các số liệu cập nhật trong Bộ chỉ số chỉ mang tính kịp thời, nhưng chưa đầy đủ, vì vậy cần phải biên soạn và phát hành Sách trắng. Trong Sách trắng có nhiều nội dung, trong đó Bộ chỉ tiêu được coi là “linh hồn” của Sách trắng. Vì thế, sau khi Sách trắng được phát hành thường niên vào quý I hằng năm, chúng tôi kiến nghị sẽ không công bố Bộ chỉ tiêu nữa.

Theo Bảng Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các địa phương được xếp thứ hạng cao là các địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh “hoàn hảo” nhất. Tuy nhiên, theo xếp hạng trong Sách trắng năm 2019, thì những tỉnh đứng đầu trong PCI cũng không có gì nổi bật. Ông giải thích thế nào về việc này?

Theo tôi được biết, việc xếp hạng các địa phương trong PCI trên cơ sở lấy phiếu điều tra, khảo sát doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế với nhiều chỉ tiêu khác nhau, như năm 2018, VCCI xây dựng PCI dựa trên phản hồi từ hơn 12.000 doanh nghiệp, trong đó có gần 11.000 doanh nghiệp tư nhân và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài .

Do lấy phiếu khảo sát, nên doanh nghiệp có thể phản hồi, có thể không và trong phiếu phản hồi, doanh nghiệp đánh giá tốt, bình thường hay xấu hoàn toàn chủ quan, cảm tính. Còn số liệu trong Sách trắng là những số liệu chính xác được các cơ quan quản lý nhà nước công bố, nên độ chính xác rất cao. Bảng xếp hạng trong Sách trắng là khách quan, trung thực và dựa trên số liệu thực tế.

Trong Sách trắng có nhiều tiêu chí và tiêu chí nào cũng xếp hạng giữa các địa phương với nhau, nên có tiêu chí này đạt cao, tiêu chí khác đạt thấp, thậm chí có nhiều tiêu chí đứng ở dưới mức bình quân cả nước. Ở cấp độ điều hành cụ thể, nhìn vào thứ bậc được xếp hạng của mỗi tiêu chí trong Sách trắng, các địa phương biết mình đang ở đâu, cần phải làm gì để cải thiện thứ bậc của từng tiêu chí. Nhìn vào thứ bậc xếp hạng môi trường kinh doanh trong PCI, ở cấp độ điều hành tổng thể, các địa phương biết được môi trường kinh doanh của địa phương mình đứng ở đâu, doanh nghiệp cần gì để hỗ trợ.

Ông nói rằng, Sách trắng còn là cẩm nang của doanh nghiệp. Thưa ông, doanh nghiệp có thể khai thác thông tin trong Sách trắng để ra quyết định đầu tư hay rút khỏi thị trường?

Một tổ chức, cá nhân quyết định bỏ vốn ra đầu tư, việc đầu tiên phải nghiên cứu xem đầu tư vào lĩnh vực nào, ở đâu, mức độ cạnh tranh ra sao… Khi chưa có Sách trắng, doanh nghiệp phải tự khai thác thông tin, số liệu nên mất nhiều thời gian, công sức và thông tin, số liệu không đầy đủ, không cập nhật, thậm chí còn nhận được cả thông tin sai, nên mức độ rủi ro cao, hiệu quả đầu tư không như mong muốn. Bây giờ, doanh nghiệp chỉ cần tìm kiếm thông tin trong Sách trắng là có thể ra quyết định đầu tư hoặc dừng quyết định đầu tư, đầu tư vào đâu, ở địa phương nào.

Chẳng hạn, doanh nghiệp muốn đầu tư, mở rộng hoạt động, chỉ cần tìm thông tin trong Sách trắng sẽ biết từng địa phương hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; sửa chữa ô tô, xe máy; vận tải kho bãi…

Tin bài liên quan