VBF 2018: Không vì những báo cáo đẹp

VBF 2018: Không vì những báo cáo đẹp

Ngày mai (4/12), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF 2018) với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trong các phiên thảo luận chính, thêm một lần nữa, vấn đề khắc phục trở ngại đối với doanh nghiệp được VBF 2018 chọn.

Như vậy, những nỗ lực của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trong 1 năm qua dù không hề nhỏ, nhưng vẫn chưa chạm đến tận cùng mong muốn của doanh nghiệp.

Vào thời điểm này, khoảng 3,4 triệu tỷ đồng từ 121.248 doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp hiện hữu đã được bổ sung vào nền kinh tế. So với cùng kỳ 11 tháng của năm ngoái, con số này cao hơn 26%.

Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã giải ngân khoảng 16,5 tỷ USD trong 11 tháng qua (chưa kể 7,64 tỷ USD của gần 6.000 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài), tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong cùng thời gian trên cũng tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đáng nói là có tới 57.131 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khu vực FDI, trong những ngày này đang nổi lên những than phiên về tình trạng chính sách bất nhất, khiến nhiều doanh nghiệp bỗng nhiên có tên trong các danh sách truy thu thuế, phạt chậm nộp...

Tất nhiên, trong 1 năm qua, những cải thiện rất tích cực về môi trường kinh doanh, cụ thể là các con số, tỷ lệ đầy tích cực về cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, thủ tục thuế, hải quan... được các bộ, ngành liên tục công bố trong năm. Tuy vậy, thực tế đã không xoay chuyển như những gì mà các báo cáo này mong muốn.

Vào tuần trước, trong cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã buộc phải nhắc tới phiên bản tiếp theo - phiên bản thứ sáu của Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Người đứng đầu Chính phủ đã nhận thấy rất rõ thực tế trên khi đặt yêu cầu lắng nghe để giải quyết tốt hơn các bức xúc, điểm nghẽn cho các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng nghị quyết mới.

Phải nhắc lại, trong báo cáo thực hiện Nghị quyết 19-2018/NQ-CP cũng như Nghị quyết 01/2018/NQ-CP, tỷ lệ điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm không hề thấp, phần lớn đã đạt hoặc gần đạt chỉ tiêu cắt giảm đến 50% số điều kiện kinh doanh hiện hữu.

Mặc dù vậy, theo khảo sát 10.000 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vẫn còn tới 58% doanh nghiệp phải xin các loại giấy phép kinh doanh có điều kiện; 42% doanh nghiệp cho rằng, thủ tục này còn khó khăn, 47% doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra 2 lần trở lên... Chưa kể, có những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh cũ, nhưng lại kèm theo các điều kiện mới không kém phần vô lý.

Rõ ràng, khi những người cảm nhận rõ nhất, thực tế nhất các cải thiện tốt cũng như những bước lui của môi trường kinh doanh còn kêu ca, thì có nghĩa, vẫn còn khoảng cách không hề nhỏ giữa chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp thực thi; khoảng cách không hề nhỏ giữa các quy định trong văn bản và việc thực hiện ở cấp cơ sở có thể tính bằng các con số triệu tỷ đồng...

Năm 2019 tới, môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ có thay đổi lớn. Việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ngay trong những ngày đầu tháng 1/2019, tiếp đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (VEFTA) dự kiến vào giữa năm sẽ có cả cơ hội, lẫn áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiêp Việt Nam ngay trên sân nhà.

Năm tới, bức tranh về doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có những thay đổi lớn tương ứng. Nhưng sự thay đổi chỉ tích cực nếu những bước cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là thực chất, đong đếm được bởi từng doanh nghiệp.

Vào thời điểm này, phải nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc thảo luận Dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Thủ tướng đã yêu cầu, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể. Thủ tướng cũng yêu cầu cần có đánh giá nghiêm túc, khách quan việc thực hiện với chế tài xử lý cương quyết, nghiêm minh như công khai các bộ, ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Sẽ phải có những cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu các đơn vị, phải có công chức cụ thể chịu trách nhiệm về những công việc không hoàn thành, những cải thiện không thực chất của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tin bài liên quan