Ủy ban Quản lý vốn nhà nước “xắn tay” tái cơ cấu doanh nghiệp

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước “xắn tay” tái cơ cấu doanh nghiệp

(ĐTCK) Tập trung nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để duy trì sự ổn định, đồng thời có hướng tái cơ cấu đế sớm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh là những hạng mục công việc ưu tiên của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) sau khi nhận bàn giao 19 tập đoàn, tổng công ty từ các bộ. 

Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho hay, ngay từ trước và trong quá trình ban giao, Ủy ban đã chủ động chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ cùng các bộ để hoàn thành các công việc của cơ quan chủ sở hữu, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp để đảm bảo quá trình hoạt động của các doanh nghiệp vẫn diễn ra ổn định.

“Về cơ bản, Ủy ban đã nắm được tình hình hoạt động hiện tại của các doanh nghiệp. Đây sẽ là nền tảng để tạo đà cho các doanh nghiệp sau bàn giao tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh bắt đầu từ năm tới", ông Hoàng Anh nói và cho biết thêm,

Một số doanh nghiệp có triển vọng như Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) dự kiến doanh thu vượt mức 25%, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc dự kiến lợi nhuận vượt 35-45%, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam lợi nhuận dự kiến vượt 37%, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông lợi nhuận dự kiến vượt 25%, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam lợi nhuận dự kiến vượt 75%...

Về mục tiêu trọng tâm đặt ra trong năm 2019 và 2020, ông Hoàng Anh cho biết, Ủy ban sẽ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng tập đoàn, tổng công ty phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh tiến độ sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

“Ủy ban sẽ tập trung hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đầu tư mở rộng và nâng cao quy mô, hiệu quả trên cơ sở có lựa chọn, chứ không ồ ạt. Trong đó, các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động. Trong quá trình này, không loại trừ việc phải tái cơ cấu, sắp xếp lại, phải thay đổi người quản lý trong trường hợp doanh nghiệp không thích ứng và điều chỉnh được với sự biến đổi của thị trường”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Trước nhiều ý kiến và sự kỳ vọng lớn, Phó chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng cho biết, Ủy ban sẽ đổi mới về phương thức thực hiện, đặc biệt tăng cường hơn công tác kiểm soát, giám sát thông tin.

“Ủy ban đã và đang số hóa phương thức quản lý. Bên cạnh việc công bố theo quy định, các thông tin, báo cáo cũng sẽ được tự động phân tích, đánh giá và biểu diễn dựa trên các biểu đồ, chỉ số để thể hiện chiều hướng phát triển của doanh nghiệp, từ đó đưa ra những định hướng phù hợp nhất cho doanh nghiệp...”, ông Hùng cho biết.

Tuy khẳng định quan điểm đổi mới, nhưng đại diện Ủy ban cũng cho rằng, việc thực hiện vẫn phải trong khuôn khổ, tuân thủ các quy định pháp lý liên quan.

“Trước mắt, Ủy ban vẫn tuân theo những khuôn khổ hiện hành như các bộ đã thực hiện trước đây. Các doanh nghiệp cần phải tự chủ hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, Ủy ban và những cơ quan có liên quan sẽ thực hiện vai trò đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp…”, ông Hùng nói.

Đồng tình với quan điểm giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) Trần Mạnh Hùng cho rằng, nên dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi của lãnh đạo doanh nghiệp hơn là dùng mệnh lệnh hành chính.

Theo ông Hùng, hiện đang có sự mâu thuẫn giữa tập trung quản lý và phân cấp. Nếu phân cấp cho tập đoàn, tổng công ty thì e ngại việc lạm dụng quyền lực, thất thoát, nhưng nếu tập trung hóa cao độ, làm gì cũng chờ duyệt thì sẽ gây chậm chễ, tắc nghẽn...

“Nên dùng hệ thống đánh giá hệ số tín nhiệm đối với các doanh nghiệp tương tự các tổ chức quốc tế đánh giá hệ số tín nhiệm của các ngân hàng. Dựa vào đó, chúng ta có thể biết được mức độ tin cậy của doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng hoạt động tốt, lợi nhuận càng lớn thì phân cấp càng mạnh và ngược lại, doanh nghiệp kém hiệu quả, nợ nần nhiều thì đưa vào kiểm soát”, ông Hùng đề xuất.

Cũng theo ông Hùng, về mặt câu chữ nên dùng từ “giám sát” thay cho “quản lý” và phải giám sát chặt chẽ. Mặt khác, cần hậu kiểm trong phòng ngừa rủi ro và dùng quyền phủ quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu cần thiết. Như vậy sẽ cải cách được thủ tục hành chính và trách nhiệm khi đó cũng rất rõ ràng.

Tin bài liên quan