Ưu tiên nào cho gói cứu trợ 250.000 tỷ đồng

Ưu tiên nào cho gói cứu trợ 250.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Trong các giải pháp hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gặp khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đề xuất các doanh nghiệp này được tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thanh toán lương cho người lao động… Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước có hạn, đề xuất này gây nhiều ý kiến trái chiều.

Nhận định về đề xuất trên, một số chuyên gia cho rằng, rất khó phân định một cách rạch ròi và thực sự công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế về các tiêu chí được tiếp cận gói hỗ trợ.

Tuy nhiên, xét mục đích và ý nghĩa đạo lý của gói hỗ trợ, việc xem xét hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần được cân nhắc.

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Phan Ðức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, xét về nguyên tắc thì việc phân bổ gói hỗ trợ là công bằng, không phân biệt thành phần khu vực.

Nhưng xét trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, nếu doanh nghiệp nhà nước cũng được hưởng hỗ trợ từ gói tín dụng này thì vô hình trung mục tiêu của Nhà nước là đưa hỗ trợ ra bên ngoài để vực dậy khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ giảm cả về giá trị và mức độ, dẫn đến mục tiêu cuối cùng sẽ giảm đi so với yêu cầu.

“Chẳng hạn, CMSC đề xuất cho Vietnam Airlines vay 12.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 0% trong 3 năm. Là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lĩnh vực hàng không nên dễ hiểu khi Ủy ban đưa ra đề xuất này, nhưng đã hỗ trợ thì phải hỗ trợ đều vì các hãng hàng không tư nhân khác cũng chịu thiệt hại không kém, đó là chưa kể hàng loạt tập đoàn, tổng công ty khác cũng đang chịu tổn thất lớn cần được hỗ trợ”, ông Hiếu nêu ví dụ.

Ðồng quan điểm, ông Ðỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Ðại học Fulbright cũng cho rằng, kiến nghị của CMSC cần được cân nhắc, bởi nếu cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tiếp cận một cách ngang bằng với các doanh nghiệp tư nhân trong gói hỗ trợ này thì sự hỗ trợ dành cho khu vực tư nhân sẽ bị hạn chế đáng kể.

Theo vị chuyên gia này, so với ước tính tổn thất, thiệt hại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì gói 250.000 tỷ đồng này cũng chưa thấm vào đâu.

Dẫu vậy, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, không thể không hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Phan Ðức Hiếu, cần cân nhắc hình thức hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp này.

Tại kiến nghị của CMSC gửi lên Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra hàng loạt giải pháp hỗ trợ về thuế, tài chính thương mại và chế độ chính sách nhằm đảm bảo duy trì ổn định dòng tiền cho sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thậm chí là đề xuất giảm tiếp 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm đối với một số dự án yếu kém ngành công thương…

Cũng theo các chuyên gia, khu vực tư nhân có tới trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ tổn thương và suy sụp hơn trước các cú sốc bên ngoài, nên cần cân nhắc ưu tiên hỗ trợ.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có nền tảng yếu, nên cần được ưu tiên trước trên 2 bình diện là tính kịp thời và tính thực thi, tức là ưu tiên bằng vật chất, có thể là cho vay với lãi suất càng thấp càng tốt. Thực tế là doanh nghiệp nhỏ rất cần vốn, kể cả lãi suất cao, nhưng có tiền cho họ vay hay không mới là vấn đề. Còn đối với khu vực nhà nước thì cũng cần hỗ trợ, nhưng nên bằng cơ chế và mô hình thì hợp lý hơn”, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương khuyến nghị.

Tin bài liên quan