Trung tâm nghiên cứu hạt nhân mới có ý nghĩa với cả nền kinh tế

Trung tâm nghiên cứu hạt nhân mới có ý nghĩa với cả nền kinh tế

Ngoài các công việc liên quan phục vụ việc xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân số 1 tại Ninh Thuận, Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga Rosatom đang khẩn trương triển khai các hoạt động liên quan đến Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu hạt nhân mới tại Việt Nam. Ông Vyacheslav Pershukov, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom trao đổi cụ thể hơn về vấn đề này.

Việc xây dựng Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu hạt nhân mới tại Việt Nam mà Rosatom là đối tác phía Nga để triển khai bao giờ có thể khởi công, thưa ông?

Cách đây 2 năm, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định liên Chính phủ, trong đó có việc Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu hạt nhân mới. Phía Nga cũng sẽ hỗ trợ khoản tín dụng lên tới 500 triệu USD để thực hiện kế hoạch này.

Hiện nay, chuyên gia hai bên đã thống nhất được báo cáo tiền khả thi. Theo đó, Trung tâm sẽ có 2 cơ sở đặt tại Đà Lạt và Hà Nội. Tại Đà Lạt, sẽ xây dựng một lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân mới với công suất nhiệt 10-15 MW. Cơ sở thứ hai sẽ được bố trí không xa Hà Nội, tập trung vào nghiên cứu lý thuyết, tính toán và thử nghiệm các chất không có phóng xạ.

Tôi hy vọng, năm 2014 sẽ xác định xong địa điểm để tiến hành lập báo cáo khả thi và năm 2015 có thể khởi công xây dựng. Thời gian xây dựng cũng mất khoảng 5 năm.

Lò phản ứng nghiên cứu mới có quy mô 10-15 MW sẽ giúp ích thế nào cho các hoạt động nghiên cứu khoa học hạt nhân?

Lò phản ứng nghiên cứu mới có quy mô lớn gấp 30 lần lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân đang có ở Đà Lạt. Như vậy, có những vấn đề mà lò nghiên cứu hiện nay cần 30 năm mới cho ra kết quả, thì lò mới, với số lượng đồng vị phóng xạ cần thiết, chỉ cần mất 1 năm. Ngoài ra, có những công trình nghiên cứu phục vụ y tế, khoa học - công nghệ hiện không thể đi đến đích, do quy mô lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt hiện nay nhỏ. Nhưng lò mới sẽ có được kết quả rất nhanh, bởi tập hợp đủ nguyên liệu cần thiết.

Lò nghiên cứu tại Đà Lạt hiện nay cũng không có các phòng nóng để nghiên cứu sau chiếu xạ, nhưng trung tâm mới ở quy mô lớn hơn sẽ có các phòng nóng.

Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu hạt nhân có lợi ích với nhà máy điện hạt nhân sau này trên các khía cạnh đào tạo chuyên gia, tạo văn hoá sử dụng, xử lý chất thải phóng xạ. Trong tương lai, Trung tâm cũng giúp các chuyên gia có thể tự thiết kế, sản xuất các dụng cụ phụ trợ trong lĩnh vực đo lường cho nhà máy điện hạt nhân.

Ở góc độ rộng lớn hơn, Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu hạt nhân còn có nhiều ý nghĩa thực tế với cả nền kinh tế. Đó là bởi các vấn đề an toàn bức xạ, đồng vị phóng xạ đã có mặt trong khắp các lĩnh vực y tế, vật liệu mới, nông nghiệp, thậm chí liên quan tới cả vấn đề sụt giảm khai thác dầu thô, khi những công nghệ khả thi sản xuất khí đốt mới cũng có liên quan đến công nghệ hạt nhân.

Vậy công tác chuẩn bị nhân sự để vận hành lò phản ứng nghiên cứu và Trung tâm mới đã được thực hiện ra sao, thưa ông?

Lò phản ứng hạt nhân không phải cứ xây dựng xong là sẽ bấm nút hoạt động. Song song với việc triển khai xây dựng, công tác đào tạo đội ngũ cũng được đặc biệt quan tâm. Trong năm 2014, sẽ có 10 người Việt Nam sang học tại Tomsk (Nga) về lò hạt nhân nghiên cứu.

Chương trình cao học tại Nga dành cho các chuyên gia sẽ vận hành lò phản ứng nghiên cứu cũng như đào tạo các nghiên cứu sinh Việt Nam muốn nâng cao lên trình độ tiến sỹ cũng bắt đầu được khởi động.

Ước tính, cả hai cơ sở của Trung tâm mới cần khoảng 400-500 người làm việc.

Việc lựa chọn Đà Lạt, mà cụ thể là ngay trong khuôn viên hiện nay của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt để xây dựng Lò phản ứng nghiên cứu mới khiến nhiều người có những e ngại nhất định?

Ở Đà Lạt, hiện đã hình thành nhóm chuyên gia khá về đồng vị phóng xạ, hiểu quy trình để ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào y tế, bởi vậy, cần phải sử dụng tốt nguồn nhân lực này. Trên thế giới, đã có nhiều nước đặt lò phản ứng nghiên cứu ngay trong thủ đô và các thành phố lớn như tại Nga có ở Moscow, Saint Petersburg, Vienna (Áo), hay Paris (Pháp). Lò phản ứng nghiên cứu không xây ở địa điểm vắng người, mà phải đặt ở các nơi có đông nhà khoa học để phát huy tốt hiệu quả.

Tin bài liên quan