Tính gia công trong nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn quá lớn.

Tính gia công trong nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn quá lớn.

Trở lại thị trường nội địa: DN bỏ lỡ cơ hội?

(ĐTCK-online) Thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang hướng các sản phẩm vào thị trường nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang bị lép vế khi hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập và mở rộng hoạt động tại Việt Nam để tiêu thụ hàng hóa. Cơ hội từ thị trường hơn 80 triệu dân đang có nguy cơ bị bỏ lỡ. Sự thay đổi chiến lược định hướng xuất khẩu đang đòi hỏi phải được hiểu theo nghĩa rộng.

130 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Thái Lan, cùng với 45 nhà hàng Thái Lan đang trong chiến dịch giới thiệu và tìm nhà phân phối các mặt hàng tiêu dùng bằng nhựa, inox, thủy tinh; hàng điện gia dụng; hàng may mặc, hóa mỹ phẩm, thực phẩm… tại Hà Nội và TP. HCM. Đi kèm với các doanh nghiệp là các thương hiệu nổi tiếng đã được thị trường Việt Nam biết đến như sản phẩm Inox Zebra, Viking, Penguin; hàng nhựa Lion Star, Pioneer; hàng thủy tinh Indo; hàng Poly Brite...

Trên thị trường hàng thực phẩm, ngay sau sự lúng túng của sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc do các cú scandal về chất lượng và sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, thực phẩm Thái Lan dường như nhanh chân đổ dồn vào các siêu thị, chợ đầu mối. Chuỗi cửa hàng bán lẻ hàng Thái Lan xuất hiện khá nhanh trong các tháng đầu năm nay tại Hà Nội và TP. HCM. Đã có lo ngại về khả năng hàng Thái Lan sẽ lấp chỗ trống trên thị trường sau những biến động vừa qua khi sản phẩm cùng loại của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn giá và vụ mùa.

Phải nhắc tới nỗ lực trở lại thị trường nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam với hàng loạt động thái tích cực từ đầu năm. Mạnh mẽ và nhiều kế hoạch nhất là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày do áp lực lớn từ sự thu hẹp của thị trường xuất khẩu. Và đây có lẽ cũng là những doanh nghiệp đạt được nhiều kỳ vọng nhất từ thị trường nội địa.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp sau một thời gian tiếp cận thị trường trong nước mới nhận ra thực tế rằng, dung lượng thị trường trên 80 triệu dân không hề dễ khai thác. Vấn đề không chỉ là sự khác biệt trong đòi hỏi về mẫu mã, chất lượng sản phẩm..., mà điểm chính là mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới khoảng 1.000 USD/năm, chưa đủ để tạo hấp lực của thị trường nội địa. Hơn thế, thói quen tiết kiệm cao do hệ thống an sinh xã hội kém, cộng với lo ngại về tình hình kinh tế khó khăn, khiến người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục thắt chặt hầu bao.

Bình luận về điều này, giới phân tích kinh tế cho rằng, cánh cửa cho hàng hoá Việt Nam vẫn phải là định hướng xuất khẩu. Thậm chí, theo ông Vũ Khoan, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, xuất khẩu chịu tác động mạnh nhất của khủng hoảng, song cũng sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để kinh tế Việt Nam ra khỏi vòng ảnh hưởng của khủng hoảng. Và các giải pháp định hướng xuất khẩu vẫn cần được ưu tiên.

Song, sẽ là không đầy đủ khi hiểu định hướng xuất khẩu chỉ là xuất khẩu ra khỏi biên giới Việt Nam. Ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, định hướng xuất khẩu cần phải được hiểu theo nghĩa rộng, là sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, với các hàng hoá cùng loại của các quốc gia khác. "Định hướng xuất khẩu phải là hướng tới sản xuất ra các sản phẩm có thể bán được trên các thị trường", ông Thuý nói.

Như vậy, với cách hiểu này, giải pháp ưu tiên xuất khẩu sẽ không chỉ là giải pháp hướng tới các sản phẩm có được hợp đồng xuất ra khỏi biên giới Việt Nam, mà phải là các biện pháp toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của Việt Nam. Và như vậy, hướng đi của chính sách sẽ phải tạo thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được lợi thế về địa kinh tế của Việt Nam, tận dụng thế mạnh về tài nguyên con người, tài nguyên thiên nhiên... một cách hợp lý.

Cũng phải phân tích rõ là trường hợp của Việt Nam xuất khẩu càng lớn thì nhập siêu lại càng tăng. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan... không những không lâm vào tình cảnh này, mà phần lớn đều có được mức xuất siêu tăng dần. Rõ ràng, tính gia công trong xuất khẩu của Việt Nam quá lớn, tạo nên khó khăn cho hàng Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm từ các nước Đông Nam Á ngay tại sân nhà.

Như vậy, quan điểm mà nhiều người nói đến về thay đổi chiến lược định hướng xuất khẩu không có nghĩa là trở lại thị trường trong nước một cách đơn giản. Cơ hội tại thị trường nội địa đang rất lớn, song cũng không tồn tại quá lâu. Chìa khoá để doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo đúng nghĩa rộng của định hướng xuất khẩu là môi trường chính sách thay đổi tương ứng. Tuy vậy, vào thời điểm này, chính sách dường như vẫn đang vận động theo nghĩa hẹp...