Hội thảo trực tuyến Quản lý chuỗi cung ứng hậu Covid-19

Hội thảo trực tuyến Quản lý chuỗi cung ứng hậu Covid-19

Trí thức trẻ 5 châu “hiến kế” để Việt Nam đón cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng

0:00 / 0:00
0:00
Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, đặc biệt là sau dịch Covid-19 đang tạo ra những cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư và phát triển thị trường trong nước.

Chiều 10/7 (giờ Việt Nam), Hội thảo trực tuyến “Quản lý chuỗi cung ứng hậu Covid-19” do Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Úc, Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Đức và Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Việt - Nhật phối hợp tổ chức đã diễn ra trên nền tảng Zoom.

Phát biểu từ đầu cầu Việt Nam, ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cơ quan sáng lập của Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động này.

Ông Vũ Quốc Huy cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành rất nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong tình trạng bình thường mới hậu Covid-19, đặc biệt là Nghị quyết số 42 (Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19), Nghị quyết 84 (Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19).

“Hội thảo hôm nay với những nội dung thiết thực sẽ cung cấp nhiều thông tin cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để báo cáo Bộ kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổng hợp các ý kiến, từ đó đề xuất thêm các giải pháp cho Chính phủ từ các hoạt động thực tế của doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập trung vào việc phát triển thúc đẩy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sau dịch Covid-19”, lãnh đạo NIC khẳng định.

Trao đổi tại Hội thảo, TS. Jason Nguyen, cựu giảng viên Đại học New South Wales, Sydney, Trợ lý Giáo sư về vận hành và quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học VinUni cho rằng, bên cạnh xu hướng dịch chuyển đầu tư do cọ xát thương mại Mỹ - Trung đang được xem là cơ hội cho Việt Nam thì nền kinh tế Việt Nam cũng đang sở hữu những thế mạnh riêng.

Theo đó, Việt Nam có thị trường gần 100 triệu dân, nằm ở vị trí chiến lược, dễ tham gia vào những chuỗi cung ứng trong ASEAN nói riêng và châu Á nói chung. Việt Nam cũng có lực lượng lao động dồi dào, tăng trưởng kinh tế ổn định trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng có những thách thức cần vượt qua, như nguồn nguyên liệu thô đầu vào, hệ thống hạ tầng chưa phát triển… “Một trong những vấn đề quan trọng để Việt Nam tăng tốc nhanh hơn trong tương lai là phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ với tăng trưởng GDP”, TS. Jason Nguyen nhận định.

Bên cạnh đó, TS. Jason Nguyen cũng lưu ý vấn đề cân bằng giữa yếu tố môi trường với phát triển kinh tế để đảm bảo phát triển bền vững.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc, mặc dù trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, có những dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, song đó là cả một quá trình chứ không đơn thuần là diễn ra ngay lập tức.

TS. Thành nhận định, không một nơi nào ở khu vực Đông Nam Á có những hiệp định thương mại tự do (FTA) tốt như Việt Nam, hay nói cách khác là Việt Nam đã chuẩn bị những điều kiện sẵn sàng để có thể tái cấu trúc chuỗi cung ứng hoặc đón các chuỗi cung ứng tốt.

“Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để tận dụng được yếu tố này?”, TS. Thành đặt câu hỏi. Anh cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị thật tốt các chính sách nhằm thu hút công nghệ, quan tâm đến các xu thế lớn về dịch chuyển chuỗi cung ứng…

Trí thức trẻ 5 châu “hiến kế” để Việt Nam đón cơ hội từ chuyển dịch chuỗi cung ứng ảnh 1

Các diễn giả trình bày tại hội thảo

Từ CHLB Đức, chị Phạm Thị Nguyệt, Trưởng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Đức cho biết, ảnh hưởng của Covid-19 đến Vietnam Airlines là rất nghiêm trọng, nhưng công ty đã không chấp nhận thực tế đó và đã sớm xây dựng kịch bản phục hồi sau dịch Covid-19.

Chị Nguyệt chia sẻ, Vietnam Airlines đã đặt ra những vấn đề mà hãng cần phải giải quyết, đó là cần phải bứt phá và thay đổi thật nhanh để vượt qua khủng hoảng. Vietnam Airlines đã chuyển đổi nhanh chóng để khai thác các chuyến bay charter hàng, thiết kế lại các mạng đường bay và xây dựng các chính sách linh hoạt...

"Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, chúng tôi mong muốn truyền bá năng lực và uy tín của Vietnam Airlines trên trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng nếu tất cả doanh nghiệp, cơ quan bộ ngành cùng đồng lòng, cùng tìm ra giải pháp linh hoạt thì chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ sau Covid-19", chị Nguyệt nói.

Dưới góc độ là một doanh nhân, anh Nguyễn Quang Khang, CEO CTCP Takahana Việt Nhật - doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực gạch xây dựng và dao chia sẻ, dịch Covid-19 trên thế giới cùng với việc Chính phủ siết chặt, phòng chống hàng giả, hàng lậu đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các sản phẩm chiến lược cho doanh nghiệp cũng như cho quốc gia.

Theo CEO của Takahana Việt Nhật, với thị trường 100 triệu dân, các doanh nghiệp Việt dường như đang bỏ quên chính “sân nhà” của mình. Nêu dẫn chứng về sản phẩm dao cạo râu, anh Khang đánh giá, thị trường này tại Việt Nam trị giá 5.000 tỷ đồng. “Doanh nghiệp của bạn chỉ cần chiếm 5% thị phần của miếng bánh ấy thôi thì một năm có được 250 tỷ đồng, lợi nhuận doanh nghiệp 10%, trung bình 25 tỷ đồng”. Theo anh Khang, những cái sản phẩm tiêu dùng tưởng chừng rất nhỏ nhưng có thị phần lớn dường như đang bị các doanh nghiệp Việt Nam bỏ quên.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập bởi Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Toàn cầu có nhiệm vụ xây dựng một mạng lưới nhằm quy tụ các chuyên gia, doanh nghiệp cũng như giới khởi nghiệp người Việt tại nước ngoài có thể kết nối, chia sẻ và hợp tác trên nền tảng kinh nghiệm, kỹ năng về khoa học công nghệ trong thời đại của nền cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó, cùng nhau giải quyết các vấn đề mang tính cốt lõi của Việt Nam.

Tin bài liên quan