TP.HCM sửa đổi quy định đánh giá, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ

Theo tờ trình của Sở Nội vụ TP.HCM, những ngày nghỉ thai sản, nghỉ do ốm đau hoặc điều trị chấn thương do tai nạn lao động sẽ không được tính để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.
Dự kiến, trong năm 2019, hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ được chi thu nhập tăng thêm hơn 7.200 tỷ đồng.

Dự kiến, trong năm 2019, hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ được chi thu nhập tăng thêm hơn 7.200 tỷ đồng.

Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại hàng quý (sửa đổi) đối với cán bộ, công chức, viên chức về hướng dẫn chi trả thu nhập tăng thêm, theo Nghị quyết 03/2018 của HĐND TP.HCM.

Tờ trình này nếu được thông qua sẽ là căn cứ để đánh giá, phân loại, chi thu nhập tăng thêm từ quý III/2019 về sau.

Theo tờ trình, số ngày được hưởng thu nhập tăng thêm là số ngày làm việc thực tế mà cán bộ, công chức, viên chức có tham gia thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. 

Theo đó, những ngày nghỉ thai sản của cán bộ, công chức, viên chức; những ngày nghỉ do ốm đau hoặc nghỉ để điều trị chấn thương do tai nạn lao động, không được tính là ngày làm việc thực tế để chi thu nhập tăng thêm.

Ngoài ra, những ngày không được tính là ngày làm việc thực tế bao gồm nghỉ phép năm hoặc nghỉ phép về việc riêng, những ngày nghỉ hè của công chức, viên chức ngành giáo dục - đào tạo, những ngày tham gia các chương trình học theo hệ tập trung (không được cấp có thẩm quyền phân công công tác) và bàn giao nhiệm vụ chuyên môn cho người khác thực hiện.

Đối với lĩnh vực giáo dục và y tế có đặc thù riêng, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế chủ động nghiên cứu vào trao đổi, thống nhất với Sở Nội vụ trước khi trình UBND TP có văn bản hướng dẫn.  

Theo Sở Nội vụ, những cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian chờ tinh giản biên chế; nghỉ hưu; nghỉ việc hoặc nghỉ theo chế độ; chuyển sang cơ quan, đơn vị khác ngoài hệ thống chính trị thì số ngày làm việc thực tế được tính đến ngày chấm dứt công tác trong quyết định của cấp thẩm quyền.

Về phương pháp chấm điểm và phân loại đối với lãnh đạo, quản lý, tỉ lệ mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 50% số lượng lãnh đạo cơ quan, quản lý được áp dụng riêng cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị từ cấp trực thuộc UBND TP trở xuống (bao gồm cấp phòng, ban, khoa, tổ, đội, nhóm...) trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kể cả trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có 1 người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý. 

Đối với cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác nhau thì được tính để xét tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chức danh, chức vụ chính đang giữ hoặc theo chức danh, chức vụ mà cá nhân được hưởng tiền lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý. 

Việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức tại TP.HCM được thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. 

Tháng 3/2018, HĐND TP.HCM đã có Nghị quyết 03/2018 về ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý. 

Theo đó, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm trong năm 2018 tối đa là 0,6 lần, năm 2019 tăng lên 1,2 lần và đến năm 2020 tăng thêm 1,8 lần.

Thời gian thực hiện thí điểm dự kiến từ 1/4/2018 đến 31/12/2020.Tiếp đó, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định 4631 về chi thu nhập tăng thêm và bắt đầu thực hiện từ quý II/2018.  

Dự kiến, trong năm 2019, hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức sẽ được chi thu nhập tăng thêm hơn 7.200 tỷ đồng.

Tin bài liên quan