TP.HCM đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, các gói hỗ trợ được giám sát, chuyển đến đúng người và đảm bảo trong thời gian sớm nhất.
Cán bộ phường 5, quận 3 chi trả hỗ trợ tại phường cho các trường hợp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. (Ảnh: TTXVN).

Cán bộ phường 5, quận 3 chi trả hỗ trợ tại phường cho các trường hợp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. (Ảnh: TTXVN).

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đến chiều 2/5, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

Tại nhiều xã, phường, dù đang trong kỳ nghỉ lễ song lực lượng chức năng vẫn tiến hành chi trả tiền hỗ trợ kịp thời cho các nhóm gia đình chính sách, người có công, người hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn.

Trong ngày 2/5, Ủy ban Nhân dân phường 5, quận 3 đã tổ chức chi trả tiền hỗ trợ tại trụ sở Ủy ban Nhân dân phường và đưa đến tận nhà cho gần 200 trường hợp với tổng số tiền hơn 230 triệu đồng.

Theo ông Trần Khánh Linh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường 5, do tính cấp thiết nên việc hỗ trợ cần làm ngay, có đến đâu chi đến đó. Đối với các trường hợp còn lại, phường phấn đấu hoàn thành trước ngày 5/5 tới.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã ký Quyết định bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng).

Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận bổ sung dự toán năm 2020 cho Ủy ban Nhân dân 23 quận, huyện với tổng số tiền hơn 332,326 tỷ đồng từ nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (theo quy định tại điểm 5, 6, 7 Mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ).

Hơn 34.100 người có công dự kiến được hỗ trợ trên 51,23 tỷ đồng; hơn 125.400 hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ hơn 94,12 tỷ đồng và hơn 124.600 đối tượng bảo trợ xã hội sẽ nhận gần 186,97 tỷ đồng.

Riêng đối với quận 1, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Ủy ban nhân dân quận chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư trong dự toán ngân sách năm 2020 để hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định tại các điểm trên (sau khi cân đối các chính sách được thực hiện, nguồn cải cách tiền lương của Quận 1 còn dư 304,286 tỷ đồng).

Như vậy, quận 1 có 1.542 người có công, 2.333 hộ nghèo, cận nghèo và 4.260 đối tượng bảo trợ xã hội sẽ nhận hơn 10,45 tỷ đồng theo quy định với mức hỗ trợ chung từ 250.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/tháng, tùy theo từng đối tượng, trong thời gian ba tháng 4, 5, 6/2020. 

Đối với người lao động, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Trần Vĩnh Tuyến cũng đã ký Quyết định bổ sung dự toán kinh phí năm 2020 để thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành vào cuối tháng 3/2020.

Theo quyết định, Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận bổ sung dự toán năm 2020 cho Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố, Ủy ban Nhân dân 24 quận huyện với số tiền 305,946 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ cho 101.982 người lao động gặp khó khăn (gồm người bị dừng việc, mất việc, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giáo viên mầm non ngoài công lập) do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thành phố phân bổ về 24 quận, huyện hơn 294,97 tỷ đồng để hỗ trợ cho 98.324 người lao động gặp khó khăn; Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố nhận 5,04 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.680 người lao động; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố nhận hơn 5,93 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.978 người lao động.

Để đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đúng đối tượng, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về số lượng đối tượng và hướng dẫn, giám sát Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện triển khai thực hiện, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.

Đồng thời, thành phố giao Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp; Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí được bổ sung theo đúng quy định; lập thủ tục hoàn trả ngân sách thành phố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước đối với phần kinh phí sử dụng không hết khi hoàn thành việc hỗ trợ cho các đối tượng.

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, các gói hỗ trợ được giám sát, chuyển đến đúng người và đảm bảo trong thời gian sớm nhất.

Nhiều xã, phường đã chuyển trực tiếp qua ATM, qua tài khoản riêng hoặc đến tận nhà chi trả hỗ trợ các trường hợp chính sách; chi trả trực tiếp tại cơ quan hoặc tại nhà các trường hợp hưởng bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo gặp khó khăn.

Nếu là công nhân bị ngừng việc, mất việc trong các doanh nghiệp tại các khu thì Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp, Khu Công nghệ cao kiểm tra, giám sát và chi qua tài khoản riêng hoặc tài khoản ATM.

Cùng với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan để thẩm định, đề xuất triển khai thực hiện chính sách, chế độ.

Mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh đề ra là các gói hỗ trợ phải đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, đúng nguyên tắc, nội dung, đối tượng hỗ trợ; không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực....

Tin bài liên quan