Đón đầu cơ hội, tìm kiếm thị trường mới không bao giờ là thừa đối với mỗi DN.

Đón đầu cơ hội, tìm kiếm thị trường mới không bao giờ là thừa đối với mỗi DN.

Tìm đường vào các thị trường lớn

(ĐTCK-online) Trong tháng 10, hoạt động giao thương của các DN Việt Nam được đánh giá là sôi động nhất kể từ đầu năm trở lại đây với nhiều sự kiện, nhiều đoàn DN nước ngoài tới Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Ở chiều ngược lại, DN trong nước cũng đã tham dự nhiều hoạt động nhằm đón đầu cho mùa xuất khẩu mới.

Sự kiện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak đến Hà Nội ngày 20/10, bắt đầu chuyến thăm ba nước Đông Nam Á: Việt Nam, Campuchia và Thái Lan được giới DN quan tâm đặc biệt. Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc gần đây phát triển nhanh, với tốc độ tăng kim ngạch hai chiều trung bình 27%/năm, đặc biệt lên tới 42,5%/năm vào năm 2008, với gần 10 tỷ USD, sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

8 tháng đầu năm 2009, do khủng hoảng kinh tế thế giới, thương mại song phương Việt - Hàn chỉ đạt 5,8 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, đáng chú ý là xuất khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam giảm 24,6%, nhưng nhập khẩu tăng 4,6%. Xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc có xu hướng chuyển dịch dần từ xuất nguyên vật liệu thô, giá trị gia tăng thấp như khoáng sản, nông lâm sản sơ chế sang các mặt hàng sản xuất chế tạo, máy móc thiết bị có giá trị gia tăng cao hơn. Đà tăng kim ngạch kể từ tháng 7/2009, cùng với những dấu hiệu phục hồi của kinh tế Hàn Quốc, nhất là sự chuyển hướng của DN nước này vào những thị trường ổn định như Việt Nam được nhận định sẽ góp phần giúp thương mại hai nước tăng trưởng trong các tháng cuối năm. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Lee Myung Bak, hai nguyên thủ quốc gia sẽ ký thỏa thuận nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam do vậy sẽ có cơ hội được biết đến nhiều hơn trên thị trường Hàn Quốc.

Ngày 20/10, Chủ tịch tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Hoàng Hoa Hoa cùng hơn 200 DN lớn đã có cuộc gặp gỡ, làm việc với cộng đồng DN Việt Nam tại Hà Nội. Đây là những DN lớn, có uy tín của tỉnh Quảng Đông, hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại tổng hợp, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, tư vấn thiết kế, thực phẩm, y tế, đồ gia dụng, dệt, xây dựng và vật liệu xây dựng, hóa dầu, giao thông vận tải, chế tạo đèn điện. Cơ hội giao thương trong các lĩnh vực này được đánh giá cao khi kim ngạch thương mại hai chiều Quảng Đông - Việt Nam đạt gần 3,4 tỷ USD trong năm 2008 và đang hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2010.

Cũng trong nỗ lực tìm kiếm đường vào các thị trường lớn, ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại Chi-lê tổ chức cuộc gặp gỡ với đoàn DN Chi-lê. Các DN trong nước xuất khẩu thiết bị máy móc công nghiệp, nguyên liệu và sản phẩm ngành công nghiệp cơ khí có thể tham gia, tìm đối tác tại đây.

Với những DN tìm kiếm cơ hội xuất hàng sang Đan Mạch, cơ hội là sự kiện "Đan Mạch và Việt Nam cùng hợp tác kinh doanh" bên lề chuyến thăm cấp nhà nước của Hoàng gia Đan Mạch tới Việt Nam được tổ chức từ ngày 2 đến 6/11 với sự tham dự của 70 DN nước này. Mục tiêu của các DN Đan Mạch là xây dựng hệ hợp tác bền vững với các DN Việt Nam, trong đó tập trung vào 6 ngành tiềm năng, đó là: giải pháp công nghệ sạch, công nghiệp hàng hải, công nghệ thông tin và truyền thông, trang thiết bị và dịch vụ sân bay, công nghệ chế biến thực phẩm. Ngoài ra, một số cuộc gặp gỡ song phương của các DN hai nước sẽ được tổ chức riêng cho từng công ty trong lĩnh vực dịch vụ thiết kế, thiết kế mỹ thuật công nghiệp và xây dựng thương hiệu, cáp quang và cáp viễn thông, chương trình mới trong lĩnh vực giáo dục đại học, sân bay và du lịch.

Ở chiều ngược lại, các DN Việt Nam cũng bận rộn không kém với các chuyến khảo sát thị trường nước ngoài. Ngày 19/10, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Anh đã thu hút hàng trăm DN hai nước và nhiều hợp đồng, thỏa thuận thương mại, đầu tư được ký kết với trị giá khoảng 1,5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh đạt 2 tỷ USD năm 2008 và được nhận định sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Bên cạnh những thị trường lớn, thị trường ngách cũng được không ít DN quan tâm. 14 DN lớn, hoạt động trong lĩnh vực bông, sợi, dệt, may của Việt Nam đầu tháng 10 đã có chuyến khảo sát thị trường Brasil, nước có tiềm năng lớn về sản xuất - kinh doanh các sản phẩm bông, vải, sợi và sản phẩm may mặc. Do vị trí địa lý, chưa hiểu biết sâu về nhu cầu thị trường, phương thức thanh toán, năng lực tài chính và hàng rào thuế xuất, nhập khẩu..., trong những năm vừa qua, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Brasil chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước (kim ngạch nhập khẩu bông Brasil vào Việt Nam đạt khoảng 5% và khoảng 7% giá trị xuất khẩu hàng dệt may từ Việt Nam sang Brasil trong tổng giá trị kim ngạch dệt may). Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cho biết, DN dệt may hai nước đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác bước đầu.

Đón đầu cơ hội, tìm kiếm thị trường mới không bao giờ là thừa đối với mỗi DN, cho dù đó là những DN lớn. Điều đó càng quan trọng hơn trong bối cảnh kinh tế đang trên đà hồi phục. Thông điệp này đã được ông Hoàng Hoa Hoa chia sẻ với các DN Việt Nam tại cuộc gặp sáng 20/10.