Tìm cơ hội đột phá từ phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo

Tìm cơ hội đột phá từ phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo

(ĐTCK) Nếu có chiến lược đột phá và khác biệt thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua sự tụt hậu hiện tại, theo kịp các nước phát triển trong việc phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo (AI), thúc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn.

Đây là khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 với chủ đề “Kỷ nguyên kinh tế trí tuệ nhân tạo: Bài học từ các điển cứu Harvard và tinh hoa thế giới” do Vietnam Report phối hợp với báo Vietnamnet tổ chức.

Câu chuyện ứng dụng thành công

Những câu chuyện điển hình thành công về ứng dụng công nghệ thông minh vào phát triển của một số doanh nghiệp và tổ chức thời gian qua được ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (MDI) nêu lên cho thấy, đây không phải là vấn đề ảo tưởng mà hoàn toàn có tính khả thi trong điều kiện phát triển của Việt Nam hiện nay.

“Sự phát triển lớn mạnh của Viettel tưởng chừng không tưởng song lại trở thành câu chuyện có thực. Chiến lược đột phá dựa vào phát triển mạnh và ứng dụng công nghệ thông minh tiên tiến đã đưa Viettel từ một doanh nghiệp không có tên tuổi trở thành một trong những tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất của Việt Nam và khu vực”, ông Tuấn nêu ví dụ.

Bên cạnh đó, câu chuyện lớn mạnh không ngừng của Trung tâm tin học Teltic và Xa lộ thông tin Vietnet tại Bưu điện Khánh Hòa giai đoạn 1994 - 1997 cho thấy, việc ứng dụng AI vào thực tiễn là có cơ sở và tính khả thi.

Ở quy mô cơ sở, công nghệ AI hiện đã không còn xa lạ mà rất gần gũi với các nhà sản xuất, cũng như nhà cung ứng dịch vụ với nhiều ứng dụng ở các mức độ và quy mô khác nhau. Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng công nghệ AI vào quy trình sản xuất và dịch vụ, nhờ đó đã cải thiện đáng kể hiệu suất công việc, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và giá thành.

Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Tecomen, chuyên sản xuất vi mạch, linh kiện điện tử cho biết, Tập đoàn đã áp dụng công nghệ AI vào dây chuyền sản xuất từ lâu để kiểm soát lỗi sai của sản phẩm và mang lại hiệu quả rất tốt. Quy trình tự động kiểm soát lỗi bằng công nghệ AI có tính chính xác hơn rất nhiều so với kiểm soát bằng các công nghệ thủ công khác, do đó rất có ích và thiết thực đối với quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Trong lĩnh vực dịch vụ, đánh giá về việc ứng dụng AI vào quy trình thực tế của Vietnam Airline, ông Dương Chí Thành, đại diện Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) cho biết, ngành hàng không từ lâu đã áp dụng AI vào thực tế hoạt động.

“Dù không sản xuất được động cơ máy bay nhưng trong quá trình vận hành máy bay, cán bộ nhân viên chuyên trách của VNA sử dụng phần mềm theo dõi hoạt động của động cơ. Hàng triệu dữ liệu của động cơ máy bay đều có hệ thống phân tích và dự báo về tình hình hoạt động. Các hoạt động khác trong hệ thống như quản lý đặt chỗ, quản lý bán vé cũng  đã áp dụng công nghệ AI. Mỗi hệ thống có vô vàn chương trình được lập trình. Cùng với dữ liệu lớn (big data), chúng tôi áp dụng AI để phục vụ khách hàng với hiệu quả tốt nhất” ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, từ trước tới nay, khái niệm AI vẫn luôn được xem là điều gì đó xa vời và phức tạp, nhưng quá trình thực tiễn áp dụng trên các lĩnh vực khác nhau cho thấy, công nghệ này đã được áp dụng trong cuộc sống, công việc hàng ngày với tính chất không quá phức tạp, mang lại hiệu quả rất tích cực.

Chiến lược phát triển kinh tế AI có khả thi?

Hiện tại, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để biến giấc mơ và khát vọng mang tính “ảo tưởng” này trở thành thực tiễn mang tính khả thi ở quy mô tổng thể để tạo ra bước đột phá hướng tới phát triển nền kinh tế AI cho Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh trong dài hạn? Câu trả lời được ông Tuấn đưa ra là phải tìm đúng được điểm đột phá để có thể tạo ra bước nhảy vọt mang tính cách mạng.

“Nếu tư duy theo hướng cạnh tranh, ứng dụng công nghệ AI để sản xuất các sản phẩm robot AI thì Việt Nam không thể theo kịp các nước tiên tiến, bởi họ đã làm được điều này từ lâu. Tuy nhiên, Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách và thậm chí đi tiên phong trong việc xây dựng chính phủ trí tuệ nhân tạo và văn hóa thời đại trí tuệ nhân tạo, coi đây là các sản phẩm manh tính đột phá chiến lược để đưa Việt Nam lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực điển hình này. Chính phủ AI siêu việt hơn chính phủ điện tử bằng cách áp dụng AI để hỗ trợ việc ra quyết định cho tất cả các chức năng của các lĩnh vực công chính yếu”, ông Tuấn khẳng định.

Cùng quan điểm, đề xuất của GS. Jason Furman, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Giáo sư trường Havard đi thẳng vào các khuyến nghị giải pháp cụ thể. Theo đó, vị giáo sư gợi ý, cùng với việc thành lập một nhóm đặc biệt chính phủ AI dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ với cơ chế hoạt động đặc biệt ưu tiên sáng tạo và không bị gò bó bởi các luật lệ hành chính, cần tiến hành song song chiến lược đột phá khơi dậy mọi nguồn lực để phát triển kinh tế AI.

Ở đây, GS. Jason Furman đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một Khu Văn hóa thời đại AI kết hợp với Chính phủ AI do Việt Nam làm chủ, thu hút tinh hoa trí tuệ và sự hỗ trợ tài chính từ các quỹ, tập đoàn lớn trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, từng bước tạo ra một Khu Sáng tạo trí tuệ nhân tạo, có khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ tiên tiến về trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam đến với thế giới, đồng thời góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên tiến và tiên phong về trí tuệ nhân tạo.

Về mặt cơ chế vận hành, các chính sách và thể chế đột phá cần được xây dựng và áp dụng theo hướng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tư nhân được bình đẳng tham gia xây dựng các dự án AI; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp tự do sáng tạo, phát triển các giải pháp và ý tưởng; có chính sách thu hút nguồn lực trí tuệ là đội ngũ các nhân tài, chuyên gia từ mọi quốc gia.

Nhìn từ bối cảnh hiện tại của Việt Nam trước những cơ hội và thách thức từ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, mà mở đầu là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các ứng dụng của AI, GS. Furman cho rằng Việt Nam đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc. Đó là dân số trẻ, nhiều người  hứng thú với công nghệ mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước...

Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới Internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế.

“Với những điều kiện như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong cần thay đổi khả năng thích ứng, làm sao để tận dụng được tiềm lực sẵn có và phá vỡ mọi rào cản trong tổ chức. Đây là những tiền đề nền tảng quan trọng góp phần đưa các ứng dụng của AI phát triển ở quy mô tổng thể để xây dựng và vận hành một nền kinh tế AI bền vững”, GS. Furman nhấn mạnh.

Công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề của phát triển

Tìm cơ hội đột phá từ phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo ảnh 1

Ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

Với lợi thế nước đi sau, có nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam có thể tranh thủ đặc điểm của công nghệ mới, cốt lõi của trí tuệ nhân tạo để theo đuổi mục tiêu phát triển. Chính phủ Việt Nam coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm bắt được sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Tranh thủ cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng; là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại hóa trong thời gian sớm nhất. Do đó, chúng ta cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chính phủ nhận thức được rằng, Việt Nam cần có cái nhìn tích cực về công nghệ và sáng tạo, coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề của phát triển; do đó cần xây dựng môi trường thuận lợi nhất để khuyến khích công nghệ và sáng tạo phát triển. Việt Nam nhìn nhận việc thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Việc tiến hành cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý là điều kiện tiên quyết thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Chính phủ đóng vai trò dẫn dắt, tập trung bảo vệ lợi ích chung và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp theo đuổi giấc mơ phát triển hơn nữa. Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng theo hướng chính phủ điện tử hoặc chính phủ áp dụng trí tuệ nhân tạo để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và có khả năng thích ứng nhạy bén với các thay đổi của thị trường, chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội phát triển cho đất nước từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chỉ có tận dụng, hiện thực hóa được cơ hội này, chúng ta mới vượt qua được thách thức tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển và “bắt kịp, đi cùng, vượt lên” về công nghệ và kinh tế. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu, được Chính Phủ giao xây dựng chiến lược phát triển đất nước phù hợp với bối cảnh mới.

Tin bài liên quan