Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trước những diễn biến gần đây tại Đà Nằng, dự báo các tháng cuối năm nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức.

Ngày 28/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2020 nhằm điểm lại tình hình 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nửa cuối năm, đưa ra phương hướng thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, qua 6 tháng, mặc dù Việt Nam đạt được tăng trưởng tích cực nhưng tình hình kinh tế trong nước nhìn chung gặp nhiều khó khăn.

Nền kinh tế đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn, bất lợi do đại dịch COVID-19 nhưng vẫn có mức tăng trưởng dương, hoạt động đầu tư và xuất khẩu được duy trì, bảo đảm an sinh xã hội... Song, nhìn chung, khó khăn, thách thức rất lớn vẫn ở phía trước, đòi hỏi sự nỗ lực liên tục, bền bỉ cũng như tinh thần quyết liệt thông các giải pháp linh hoạt, phù hợp để đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất có thể trong cả năm 2020.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là trước những diễn biến gần đây tại Đà Nằng, dự báo các tháng cuối năm nền kinh tế sẽ gặp nhiều thách thức. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã có các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đây là thời điểm quan trọng để các bộ, địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp này.

“Để đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, hoàn thành ở mức cao của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020, tạo đà cho kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu, tham mưu những giải pháp đủ mạnh cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là thời điểm quan trọng để xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, khẩn trương tổ chức lập quy hoạch đảm bảo chất lượng tốt nhất, khẩn trương xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm  ảnh 1

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Báo cáo kết quả chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm 2020 của Vụ Tổng hợp kinh tế quốc quốc dân cho thấy đánh giá chung 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Bộ đã trình Quốc hội thông qua 3 luật và 3 Nghị quyết; tập trung triển khai thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác cũng như giao bổ sung. 100% các đề án, báo cáo do Bộ chủ trì xây dựng được báo cáo đúng hạn, công tác thực hiện đều bám sát các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, theo dõi sát sao, kịp thời cập nhật tình hình, phân tích đặc điểm, tính chất và đánh giá ảnh hưởng, dự báo xu hướng tác động của dịch bệnh tới phát triển kinh tế - xã hội; chủ trì xây dựng Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch và tham mưu Chính phủ cần phải có ngay những giải pháp quyết liệt để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch. Từ Chỉ thị này, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã kịp thời được ban hành, thực hiện hiệu quả trong chỉ đạo điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Bộ cũng chủ trì, tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành: Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; xây dựng Đề án và Tờ trình của Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW và trình Quốc hội ban hành một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết số 122/NQ-QH14 của Quốc hội.

Để thực hiện các nhiệm vụ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đã chủ trì xây dựng: báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; dự thảo Chỉ thị về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và ban hành các văn bản hướng dẫn Chỉ thị này.

Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm  ảnh 2

Toàn cảnh Hội nghị

Về triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, năm 2020 và triển khai thi hành Luật Đầu tư công, xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp trọng yếu để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Bộ đã chủ động tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành, triển khai nhiều cơ chế, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Bộ cũng khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ các quyết định về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2020 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018, 2019 và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai, điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2020; các quyết định về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và ban hành các văn bản hướng dẫn về tổng hợp điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ đã chủ trì tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW; trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Bộ đang tập trung hoàn thành 14 đề án, nhiệm vụ được giao, đồng thời chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, nắm bắt và tận dụng tốt nhất cơ hội sau dịch Covid-19 và cạnh tranh thương mại/đầu tư giữa các quốc gia lớn…

Bộ cũng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Quán triệt phương châm chỉ đạo xuyên suốt năm 2020 của Chính phủ và bám sát Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016-2021, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nỗ lực đổi mới, quyết liệt hành động để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đề án, nhiệm vụ theo Chương trình công tác, phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, làm tiền đề để đất nước bước vào giai đoạn mới vững chắc hơn.

Liên quan các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, gia nhập thị trường, đáng chú ý, Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ đẩy mạnh việc xây dựng thực thi cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin qua hệ thống điện tử giữa các cơ quan: Đăng ký kinh doanh, thuế, quản lý lao động và bảo hiểm xã hội theo hướng tích hợp. Từ đó, quy trình khởi sự kinh doanh ở Việt Nam giảm từ 8 thủ tục và cần 16 ngày xuống còn 3 thủ tục và 6 ngày. Điều này sẽ tạo bước tiến lớn, đưa thứ hạng về chỉ tiêu này của Việt Nam vào tốp 50 thế giới.

Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Cục vụ đơn vị thuộc Bộ cho biết trong phạm vi chức năng trách nhiệm của các đơn vị trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung triển khai các công tác quan trọng như: Chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế-xã hội để tổng hợp, phân tích, dự án và kịp thời tham mưu cho Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành.

Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục triển khai việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nghiên cứu xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành các luật gồm các Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư..., thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả công tác soạn thảo dự thảo luật, tăng cường quảng bá thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xây dựng chiến lược quốc gia về hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030...

Tin bài liên quan