Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị, Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị, Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng nêu 5 câu hỏi lớn về xuất khẩu

Sáng nay, 23/4, phát biểu mở đầu Hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nói rõ sự kìm chế, không xuất khẩu được của một số ngành hàng là vì sao.

Hoan nghênh các thành phần trực tiếp liên quan đến xuất khẩu dự hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, không có nước nào trên thế giới có thể công nghiệp hóa, trở thành một nước thu nhập cao mà không thành công trong xuất khẩu. Những quốc gia thành công, doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường phải vươn ra, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm được thị trường quốc tế.

Lãnh đạo cấp cao cũng đi tiếp thị cho sản phẩm Việt Nam

“Chiếm lĩnh được thị trường cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam chúng ta cất cánh”, Thủ tướng nói.

Cho rằng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân cũng vô cùng quan trọng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhưng quan trọng nhất để tăng trưởng, để phát triển bền vững thì cần nhìn vào thị trường toàn cầu.

Thủ tướng nêu rõ, một nước không cân bằng được xuất nhập khẩu hoặc nhập siêu cao cũng là cội nguồn của lạm phát cao mà lạm phát cao thì kinh tế bấp bênh, đời sống người dân khó khăn. Do đó, cân bằng thương mại là vấn đề quan trọng trong điều hành.

Vì vậy, tại hội nghị hôm nay, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các đại biểu phát biểu vào những điều cốt lõi nhất của xuất khẩu hiện nay để tháo gỡ: “Đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, nói lên sự kìm chế không xuất khẩu được của một số ngành hàng của chúng ta là vì sao.

Có một số ngành hàng phát triển rất nhanh, nhưng có một số ngành hàng còn lúng túng, lúc trồi lúc sụt.

Tất nhiên do thị trường thế giới nhưng cũng do cách tổ chức quản lý của chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu: “Trước khi sản xuất sản phẩm nào ở trong nước thì cần phải nghĩ đến việc tiêu thụ ở đâu, anh sản xuất cái xã hội cần chứ không phải cái mình có”.

Thủ tướng cho biết, năm qua, chúng ta đã lần đầu tiên xuất khẩu trên 200 tỷ USD, trong đó có những ngành hàng có kim ngạch lớn như: Điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp và một số sản phẩm khác mà chúng ta đã tìm ra lối đi cách làm.

Theo Thủ tướng, chúng ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 hiệp định FTA đã ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA.

Đây là điều quan trọng để nước ta không phụ thuộc vào một vài bạn hàng, một vài ngành hàng, góp phần nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế.

Nhiều lãnh đạo nước ta, kể cả các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thậm chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đều đi tiếp thị cho sản phẩm của Việt Nam, tìm thị trường mới. 

Thủ tướng nêu 5 câu hỏi lớn về xuất khẩu ảnh 1

Ảnh: VGP/Quang Hiếu 

Những câu hỏi lớn cần lời giải

Thủ tướng cho rằng, hội nghị hôm nay không phải bàn về thành tích, về thắng lợi mà cái chính là nhìn thấy những tồn tại, bất cập để tháo gỡ trong bối cảnh độ mở nền kinh tế là 190% GDP, xuất nhập khẩu ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, khó khăn trong thương mại toàn cầu năm nay và những năm tiếp theo luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có nguy cơ của một cuộc chiến thương mại. Xu hướng bảo hộ gia tăng, nhất là những tháng đầu năm 2018, cần nắm bắt vấn đề này để đa dạng hóa trong xuất khẩu.

Các nước nâng các tiêu chuẩn, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm, kể cả quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh, bảo vệ thực vật ngày càng khắt khe hơn. “Sản xuất mà không quản lý tốt khâu đầu vào này để có nền nông nghiệp sạch thì khó xuất khẩu”, Thủ tướng lưu ý.

Mặt khác, tính cạnh tranh hàng xuất khẩu ngày càng gay gắt. Trong khi, một bộ phận người dân, doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường. Chất lượng chưa đồng đều.

Một số sản phẩm trước tốt, sau xấu, thậm chí có sản phẩm làm ảnh hưởng đến uy tín Việt Nam.

Theo đó, hội nghị có cần “lên án mạnh mẽ những cơ sở sản xuất, người dân làm bừa, làm ẩu, vì lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến uy tín lâu dài của Việt Nam?” - Thủ tướng nêu vấn đề.

Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, Thủ tướng nhìn nhận có nhiều tiến bộ, nhưng tiếng kêu của người dân vẫn còn nặng nề.

Do đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết của các địa phương, hiệp hội ngành nghề, lắng nghe những vướng mắc về cơ chế chính sách, tiếp cận thị trường và những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu.

Đặc biệt, Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn để các đại biểu tập trung làm rõ. Thứ nhất là làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam.

Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê… không chỉ có chế biến thô.

Thứ hai, có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu, “có bao nhiêu rào cản mà ngành hàng của các đồng chí đang vấp phải”.

Nếu “hôm nay, các đồng chí không phát biểu được hết hay nhiều khi ở hội nghị các đồng chí tế nhị thì viết thư gửi Bộ trưởng, gửi Thủ tướng để đưa sáng kiến tháo gỡ”, Thủ tướng bày tỏ.

Thứ ba là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì?

Cục Xúc tiến thương mại hoạt động như thế nào cho hiệu quả? Vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đến đâu? Công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong thực hiện quy định như thế nào, yêu cầu chất lượng hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc ra sao? Cục Cạnh tranh quốc gia cần phải làm gì để chủ động hơn trong bối cảnh hiện nay?

Thứ tư là tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào, “những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước thì các đồng chí có biết rõ không, cần có thông tin gì”.

Thứ 5, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay, ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba. Các đại biểu cũng có thể đề xuất những chiến lược tổng quan của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu, làm sao để có hệ thống chứ không để rời rạc, “lúc bí chỗ này, lúc gỡ chỗ kia”. Bức tranh lớn về xuất khẩu cần được tiếp cận như thế nào?

Thủ tướng mong muốn các nhà khoa học, nhà chiến lược, những người dày dạn kinh nghiệm trong nước cũng như quốc tế đóng góp ý kiến.

Cho rằng, hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ chứ không phải hình thức, lấy lệ bởi mỗi địa phương đều liên quan đến xuất khẩu, Thủ tướng nêu rõ, tầm nhìn của chủ tịch địa phương, tầm nhìn của bộ trưởng đều phải hướng về xuất khẩu để quốc gia có sự tăng trưởng tốt khi mà xuất khẩu là một chỉ số đóng góp cho tăng trưởng bền vững.

Trên cơ sở các ý kiến phát biểu, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.

Tin bài liên quan