Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, doanh nghiệp tư nhân sẽ có “bệ phóng” để phát triển

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, doanh nghiệp tư nhân sẽ có “bệ phóng” để phát triển

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Đột phá là chuyển các tuyên ngôn thành hành động

(ĐTCK) Đột phá là chuyển tất cả những tuyên ngôn, chính sách, thông điệp thành hiện thực. Từng lời nói phải trở thành hành động cụ thể, chủ trương phải trở thành mệnh lệnh từng cấp, ngành. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán như vậy trong cuộc trò chuyện đầu Xuân.

Năm 2016 ghi nhận nhiều chuyển biến lớn trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, vậy ông tâm đắc nhất điều gì?

Điều tôi tâm đắc nhất là nhận thức của toàn xã hội về vai trò của doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao, từ Chính phủ, các bộ, ngành cho tới từng người dân. Cả tinh thần và chủ trương được quán triệt hơn bao giờ hết, Nghị quyết của Đảng đã xác định rõ vai trò, vị trí của doanh nghiệp tư nhân. Sau đại hội Đảng, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã quyết liệt triển khai các giải pháp để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Đích thân người đứng đầu Chính phủ dùng từ “ấn nút xanh”, “ấn bệ phóng cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”, từ đó lan tỏa tới các cấp, các ngành và tới từng người dân, toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp của các cơ quan báo chí. Có lẽ, chưa bao giờ có sự nhận thức nào lại đạt được sự hưởng ứng của cả xã hội, cộng đồng doanh nghiệp như năm 2016.

Điều này cho thấy, mô hình tăng trưởng dựa vào động lực chính là khu vực kinh tế nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh, đến bây giờ đã chạy hết tiềm năng, nếu tiếp tục duy trì thì chúng ta sẽ lạc hậu. Nhận thức kịp thời và sự đồng thuận của cả xã hội về vai trò tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế của khu vực tư nhân trong giai đoạn vừa qua đang cao hơn bao giờ hết, điều này là sự động viên, khuyến khích và tưởng thưởng lớn nhất cho cơ quan tham mưu chính sách như Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trên đà này, năm 2017 có thể coi là năm của hành động, ngay từ quá trình ra chính sách điều hành của Chính phủ. Chính phủ đã xác định rõ là Chính phủ kiến tạo, hành động, đồng hành với doanh nghiệp, là cơ quan cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp là đối tượng của nền kinh tế bị Nhà nước quản lý, nhưng hiện nay, doanh nghiệp được coi là đối tác của nền kinh tế và là đối tác của Chính phủ.

Cách điều hành của Thủ tướng Chính phủ rất tường minh. Xã hội thông qua báo chí giám sát được các bộ, ngành có hành động, thực hiện đúng như thông điệp của Thủ tướng là Chính phủ vì người dân, vì doanh nghiệp, coi họ là đối tượng phục vụ hay không.

Nhà đầu tư nước ngoài đang nghe các bạn trẻ giới thiệu về  ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tại Startup Festival 2016 

Là Bộ nòng cốt trong vai trò tham mưu cho Chính phủ trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xin ông chia sẻ những điểm đáng nhớ trong công tác cải cách thể chế, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh?

Nhìn chung, công việc lúc nào cũng bận rộn, nhưng năm 2016 vừa qua là bận hơn, xuất phát từ yêu cầu của Chính phủ, khối lượng công việc của các cục, vụ nhiều hơn.

Liên quan đến công tác cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2016, chúng tôi phải hoàn thiện và trình Quốc hội 3 dự thảo luật: Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Khối lượng công việc nhiều hơn khi mỗi lần trình dự thảo lấy ý kiến các bộ, ngành và xã hội, sau đó phải chỉnh sửa cả trăm lần, nhưng đều hào hứng vì được các bộ, ngành quan tâm. Cường độ làm việc lớn, nhưng tinh thần anh em rất phấn khởi vì sản phẩm tâm huyết của mình làm ra được toàn xã hội ghi nhận.

Hiện nay, Cổng thông tin doanh nghiệp thường xuyên nhận được phản ánh từ Chính phủ. Hàng tuần, Chính phủ gửi công văn xuống Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trả lời chậm sẽ phải giải trình trước Chính phủ. Bên cạnh đó, rất nhiều góp ý của doanh nghiệp không chỉ đề nghị chính sách có lợi cho cá nhân doanh nghiệp đó, mà có lợi cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Đây là điều rất đáng mừng, thể hiện tinh thần vì lợi ích chung của cả cộng đồng.

Việt Nam đang hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2017 liệu có gặp thách thức?

Bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng với thế giới, ngoài việc tự cải cách nền kinh tế để hội nhập trong điều kiện các nước đang cải cách lớn hơn, Việt Nam đi sau cần nỗ lực nhiều hơn để hoà vào cái chung. Đó là thách thức lớn nhất.

Việt Nam tự đánh giá, so sánh với bản thân mình, mình đã đi được bước dài, nhưng các nước khác còn đi bước dài hơn. Điều này đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của toàn hệ thống. Nếu chỉ mình doanh nghiệp năng động, sáng tạo mà không có sự đồng hành, chia sẻ của cơ quan quản lý nhà nước, bộ máy chính quyền thì có thể gây cản trở, kéo chậm sự phát triển của doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công phải đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp, người dân, xem họ cần gì để giải quyết nhanh hơn. Chỉ cần thế là đất nước đã có thể thay đổi rất nhiều.

Tôi cho rằng, ngoài sự chuyển biến về nhận thức thì cần có giám sát, kỷ luật. Mọi quốc gia phát triển được đều có kỷ luật. Thà cứ khó khăn mà đúng kỷ luật thì sẽ tốt hơn. Không có kỷ luật, kỷ cương thì không phát triển được.

Trong cuộc sống luôn luôn có thách thức. Tôi cho rằng, bất cứ thời điểm nào cũng có thách thức, nhưng thách thức trong bối cảnh đồng thuận cao, mọi người cùng đi về hướng chung sẽ tìm ra giải pháp tích cực.

Theo ông, cần có bước đột phá nào để giúp công tác cải cách được thực chất và đạt hiệu quả cao hơn?

Đột phá là chuyển tất cả những tuyên ngôn, chính sách, thông điệp thành hiện thực. Từng lời nói phải trở thành hành động cụ thể, chủ trương phải trở thành mệnh lệnh từng cấp, ngành.

Năm 2017, Chính phủ cần hành động nhiều hơn. Nếu bộ, ngành nào không hành động quyết liệt là không hoàn thành trách nhiệm. Từng địa phương cũng phải thống nhất thực thi hành động.

Theo tôi, muốn cải cách mạnh hơn, tinh thần thực thi chung phải tốt hơn. Cấp Trung ương đầy đủ, toàn diện, nhưng cấp địa phương chưa đồng đều với tuyên ngôn của Chính phủ, Thủ tướng thì cũng khó triển khai thực thi tốt.

Hiện nay, vẫn tồn tại tình trạng chủ trương ở cấp Trung ương thì đã thống nhất, song tại địa phương, nhận thức chưa đồng đều. Tinh thần thực thi mạnh mẽ, quyết liệt các chủ trương cải cách phải thấm sâu vào cấp cơ sở, quán triệt theo đường lối chung của Chính phủ, vì đây là cấp doanh nghiệp va chạm hàng ngày, đặc biệt là các cấp quận - huyện, xã - phường.

Có như vậy mới xóa bỏ được khoảng cách từ chính sách đến thực thi, từ lời nói đến hành động, tạo bước đột phá để nâng cao hiệu quả thực chất của công tác cải cách và lan tỏa hiệu ứng thực sự của các chính sách đổi mới tới đời sống kinh tế.

Tin bài liên quan