Thứ trưởng Bộ Tài chính: Mở rộng đối tượng xóa nợ thuế nhằm giảm nợ ảo

Một trong những quy định được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là việc xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phạt chậm nộp (nợ thuế) được thực hiện từ 1/7/2020. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, việc mở rộng đối tượng xóa nợ thuế nhằm giảm nợ ảo, nhưng phải bảo đảm chống lợi dụng để trốn thuế.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

Liên quan tới thẩm quyền xóa nợ, Luật Quản lý thuế quy định những đối tượng nào có quyền cho xóa nợ thuế, thưa ông?

Thẩm quyền xóa nợ thuế được trao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản; cá nhân được coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; khoản nợ thuế của hộ gia đình, cá nhân đã quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi.

Các trường hợp còn lại, Thủ tướng Chính phủ xóa đối với khoản nợ từ 10 tỷ đồng trở lên; Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa đối với khoản nợ từ 5 đến 10 tỷ đồng. Còn khoản nợ dưới 5 tỷ đồng thì giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét xóa nợ.

Cơ chế mở ra nhưng vẫn vướng, vì thế, Quốc hội cho phép tiếp tục mở rộng đối tượng được xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi phát sinh trước ngày 1/7/2007 (Luật Quản lý thuế có hiệu lực) của hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn, đã ngừng kinh doanh; doanh nghiệp nhà nước đã có quyết định giải thể; doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ thuế này.

Mặc dù cơ chế, chính sách xóa nợ thuế tiếp tục được mở ra, nhưng trên thực tế, trong vòng 10 năm, từ ngày 1/7/2007 đến ngày 31/7/2017 tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp được xóa chỉ có 1.122 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,3% số nợ không có khả năng thu. Điều đáng nói là số nợ thuế, trong đó chủ yếu là nợ ảo tăng rất nhanh.

Thưa ông, nợ ảo tăng nguyên nhân do đâu?

Việc xóa nợ thuế rất khó khăn, phức tạp, vì thế số tiền nợ thuế được xóa rất ít. Số tiền nợ thuế mặc dù không thu hồi được vẫn phải tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày (trước đây là 0,05%/ngày) nên cứ mỗi ngày qua đi, số tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp lại tăng lên. Đây là số tiền nợ ảo vì ngay cả nợ gốc cũng không thể thu hồi thì làm sao có thể thu được tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế.

Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý là 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi là 39.295 tỷ đồng, chiếm 51,8%; số còn lại không có khả năng thu hồi. Số nợ thuế không có khả năng thu hồi do người nợ thuế đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản nhưng không xóa được nên vẫn tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày. Như vậy, mỗi ngày trôi qua, số tiền nợ thuế ảo tiếp tục tăng lên.

Ông có nghĩ rằng, kể từ ngày 1/7/2020, sau khi Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực sẽ xử lý triệt để tình trạng nợ thuế ảo?

Điểm mới của Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội thông qua là cho phép khoanh nợ thuế đối với cá nhân đã chết, bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự. Doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể (chưa hoàn thành thủ tục giải thể); doanh nghiệp  hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký; doanh nghiệp bị cơ quan quản lý thuế đề nghị thu hồi hoặc bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động cũng được khoanh nợ tiền thuế. Trong thời gian khoanh nợ không tính tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế nên nợ ảo không tăng.

Luật Quản lý thuế cũng quy định cởi mở hơn trong trường hợp xóa nợ tiền thuế. Theo đó, các trường hợp được xóa nợ thuế vẫn giữ như quy định hiện hành, riêng khoản nợ thuế đã quá 10 năm cơ quan thuế không phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế (7 biện pháp) như quy định hiện hành, mà chỉ cần áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hợp tác xã, đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề là có thể được xem xét xóa nợ thuế.

Điều vướng nhất hiện nay là yêu cầu cơ quan thuế phải áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế không thu hồi được mới xóa nợ, bây giờ chỉ cần áp dụng một biện pháp duy nhất không thu được nợ cũng xem xét xóa nợ, nên nợ thuế, đặc biệt là nợ ảo sẽ giảm. Ngoài ra, thẩm quyền xóa nợ thuế cũng đã được nâng lên đến 5 tỷ đồng giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh; đến 10 tỷ đồng giao cho Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; đến 15 tỷ đồng giao cho Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Các trường hợp đã được xóa nợ nêu trên, trong trường hợp người nộp thuế quay trở lại hoạt động vẫn phải nộp đầy đủ các khoản nợ đã được xóa. Ông có nghĩ đây là bước lùi của luật?

Quy định thu hồi lại khoản nợ đã xóa được thảo luận rất kỹ khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại Quốc hội. Cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng cho rất nhiều ý kiến vào nội dung này.

Cuối cùng, tuyệt đại đa số tham gia ý kiến thống nhất quy định, người nộp thuế là cá nhân, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ công ty TNHH một thành viên đã được xóa nợ tiền thuế, trước khi quay lại hoạt động, kể cả thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, vẫn phải hoàn trả khoản nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đã được xoá.

Quy định thu hồi lại tiền thuế đã xóa nhằm phòng ngừa trường hợp người nợ thuế lợi dụng chính sách xóa nợ để trốn thuế. Ví dụ như nhiều trường hợp người nợ thuế vẫn còn tài sản, nhưng người ta tẩu tán tài sản cho người thân đứng tên, sau khi được xóa nợ thuế họ quay lại hoạt động, thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới bằng chính số tài sản đã tẩu tán trước đó. Vì vậy, tôi cho rằng, quy định này là phù hợp, là bước tiến của luật.

Tin bài liên quan