Đầu giờ sáng 15/6, các đại biểu quốc hội đã bấm nút thông qua Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch với tỷ lệ tán thành 96,71%.

Đầu giờ sáng 15/6, các đại biểu quốc hội đã bấm nút thông qua Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch với tỷ lệ tán thành 96,71%.

Thông qua Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch đã chính thức được các đại biểu quốc hội thông qua vào đầu giờ sáng 15/6, với 471/475 đại biểu tán thành, tỷ lệ 96,71%.

Ngày 23/5/2018 và ngày 01/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em, Luật Xây dựng (gọi tắt là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra,  cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật.

Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2019, tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

Có ý kiến đề nghị thông qua một dự án luật cho tất cả các Luật liên quan đến quy hoạch.

Có ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng với Luật Quy hoạch; làm rõ nội hàm giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng tỉnh để tránh cùng một tỉnh có hai loại quy hoạch có nội dung giống nhau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định tại khoản 5 Điều 59 Luật Quy hoạch, Chính phủ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp với Luật Quy hoạch.

Tại kỳ họp này, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 13 luật liên quan và tại kỳ họp thứ 6 tới đây sẽ tiếp tục rà soát các luật và trình dự án luật sửa đổi, bổ sung đối với các luật còn lại.

Việc phân thành hai dự án luật và trình Quốc hội thông qua tại kỳ này và kỳ họp thứ 6 là để có đủ thời gian rà soát, bảo đảm yêu cầu chất lượng của dự án luật.

Qua thảo luận Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng cho thấy, còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết có quy hoạch xây dựng tỉnh với tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; về nội hàm giữa quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch tỉnh;

Mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; một số nội dung cần có đánh giá tác động như giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch.

Mặt khác, đây là những vấn đề liên quan đến nội dung cần có thời gian để nghiên cứu làm rõ, thời gian thông qua theo quy trình một kỳ họp không bảo đảm cho việc đánh giá, rà soát để thống nhất.

Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho để lại hai luật này để tiếp tục nghiên cứu, rà soát trình Quốc hội xem xét, thông qua cùng với các luật còn lại liên quan đến quy hoạch tại kỳ họp thứ 6.

Như vậy, tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 11 luật, bao gồm:

Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em.

Tin bài liên quan