Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt

Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt

(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới cộng đồng doanh nghiệp, tới nền kinh tế. Cùng với nỗ lực vượt qua những thử thách chưa từng có tiền lệ trong quá khứ, giới doanh nghiệp, doanh nhân cũng kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Khoan sức dân là rất cần thiết

Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt ảnh 1

Ông Ðỗ Minh Phú, Chủ tịch HÐQT CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, Chủ tịch Ngân hàng TienPhongBank.

Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại TPBank, hiện có 1.000 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ đến hạn không trả được.

Chúng tôi rất mong các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sớm được thực thi, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp cụ thể để đưa các chính sách vào cuộc sống.

Về gói tín dụng hỗ trợ 250.000 tỷ đồng của ngành ngân hàng, khó khăn nằm ở chỗ nếu ngân hàng thương mại được chủ động giãn, khoanh nợ thì theo thông tư hiện tại, khi điều chỉnh giảm lãi suất thì phải cơ cấu lại nợ, trong khi vừa khó khăn trích lập dự phòng, vừa phải cho vay.

Doanh nghiệp khó khăn dòng tiền nên không trả lãi được cho ngân hàng.

Khi miễn giảm lãi suất và cho phép ngân hàng thương mại xếp nhóm nợ, đề nghị thời hạn nên kéo dài tối thiểu 3 - 6 tháng, vì kể cả sau khi hết dịch thì tác động vẫn còn kéo dài, khó định lượng tác động trực tiếp.

Liên quan đến chính sách tài khoá trị giá 30.000 tỷ đồng, chúng ta không dám và không nên hoàn toàn chỉ trông chờ đề xuất Chính phủ hỗ trợ vì nguồn lực là có hạn, nhưng khoan sức dân là cần thiết.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cho người lao động nghỉ 30 - 50% thời gian làm việc, Tập đoàn Doji cũng cho lao động nghỉ một nửa, nhưng quy định phải trả lương tối thiểu. Do vậy, đề nghị giảm đóng góp bảo hiểm xã hội, quỹ thất nghiệp để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giãn thời gian nộp thuế VAT, phân loại ngành nghề nào iảm thuế thu nhập doanh nghiệp vì nếu khó có nguồn lực giảm tràn lan.

Các ngân hàng thương mại, trong đó có ngân hàng TPBank luôn sẵn sàng chủ động giảm lãi suất, giảm lợi nhuận chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Song bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động có biện pháp ứng phó với khó khăn để đảm bảo hoạt động liên tục, phải có chiến lược và quyết sách rõ ràng sau khi hết dịch thì làm gì để khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Tháo gỡ vướng mắc để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển

Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt ảnh 2

Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HÐQT Tập đoàn FLC.

Chúng tôi rất mong các bộ, ngành sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn như miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí; cơ cấu lại các khoản nợ…, Chính phủ cũng cần quan tâm, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để tạo đà phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế trong dài hạn.

Chẳng hạn, hiện Chính phủ đã coi du lịch là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, nhưng trong Luật Ðầu tư chưa có quy định xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư.

Do đó, chúng tôi mong được Chính phủ quan tâm các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn trên 10.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cần xem xét cho người nước ngoài đầu tư vào sản phẩm nghỉ dưỡng, đặc biệt là căn hộ condotel để thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Bởi về bản chất, sản phẩm này vẫn do chủ đầu tư đứng ra quản lý và triển khai kinh doanh như một dịch vụ thương mại khách sạn, nên những lo ngại về an ninh khi người nước ngoài đầu tư là không có cơ sở.

Đẩy mạnh đồng hành, gắn kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền

Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt ảnh 3

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn Trường Hải (Thaco).

Hiện Chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã ban hành kịp thời, song trong đó vẫn có những chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống và doanh nghiệp khó có thể tiếp cận được.

Hoặc các quy định được hiểu và áp dụng một cách cứng nhắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thaco vừa khánh thành nhà máy, ký hợp đồng sản xuất xe ô tô. Doanh nghiệp mong được tạo thông thoáng cho thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia.

Với các trường hợp đối tác cần thiết cho kinh doanh, chúng ta có kiểm soát nhưng vẫn phải thông thoáng. Cần bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, đầu tư, đón đầu cơ hội từ thị trường.

Về định hướng hỗ trợ, cần xem xét kỹ, không phải ngành nghề nào cũng hỗ trợ tràn lan.

Bản thân doanh nghiệp cũng cần xem xét cơ cấu lại các ngành nghề phù hợp và hiệu quả. Nhân dịp này, chúng ta càng nên phải cân nhắc cơ cấu lại. Trong chính sách có định hướng điều chỉnh lại nền kinh tế theo hướng tốt hơn.

Mới đây, Bộ Tài chính có dự thảo chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhưng không phải ngành nghề nào cũng cần hỗ trợ về thuế. Tôi mong Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính có các cuộc họp lắng nghe ý kiến để cùng tháo gỡ khó khăn về vốn, tài chính cho các doanh nghiệp.

Nếu đợi doanh nghiệp cắt giảm 50% lao động thì có lẽ không còn doanh nghiệp để hỗ trợ

Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt ảnh 4

Việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ, ngành còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác rất khó khăn khi thủ tục rườm rà, phức tạp, yêu cầu các doanh nghiệp phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất - kinh doanh là rất cấp thiết.

Thay vì các quy định như trên, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hướng có những chính sách giúp doanh nghiệp giữ được dòng vốn trong lúc khó khăn vì dịch bệnh để duy trì sản xuất - kinh doanh, thay vì vẫn “nộp” rồi lại làm đơn xin xét nhận hỗ trợ.

Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp có dòng tiền duy trì hoạt động, duy trì nhân sự để thích nghi, tồn tại trong bối cảnh mới và người lao động không bị mất việc.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân

Lo ngại về nút thắt với đầu tư công

Thời điểm đặc biệt cần những giải pháp đặc biệt ảnh 5

Ông Lương Minh Tuấn, Chủ tịch HÐQT CTCP Ðạt Phương.

Một trong các giải pháp giúp tái thiết nền kinh tế sau dịch được trao đổi gần đây là thúc đẩy giải ngân đầu tư công.

Với số tiền hơn 600.000 tỷ đồng của phần chưa giải ngân hết năm 2019 và kế hoạch năm 2020, đây sẽ là nguồn lực lớn.

Các công trình sử dụng vốn đầu tư công tạo đòn bẩy cho các hoạt động đầu tư khu vực tư nhân trong giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh.

Tuy nhiên, để đầu tư công thực sự phát huy được hiệu quả kích cầu nền kinh tế, cần tháo gỡ nút thắt quan trọng, đó là các quy định liên quan đến đầu tư công rất phức tạp và khó thực hiện.

Ngay cả tiền cho các dự án đã có trong tài khoản ngân hàng nhưng không có cơ chế quyết định để sớm đưa vào dự án, công trình thì cũng là “tiền chết”.

Hiện chúng tôi thấy lo ngại nhất về vấn đề này.

Doanh nghiệp phải sáng tạo, tìm kiếm cơ hội nếu muốn tiếp tục tồn tại

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HÐQT CTCP Nafoods.

Các giải pháp, chính sách hỗ trợ cần có sự phân loại, phân nhóm phù hợp, để đảm bảo nguồn lực đến được các doanh nghiệp đang có cơ hội, đang có đầu vào, đầu ra.

Nên có những phương thức hỗ trợ tăng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 bằng các thủ tục đơn giản, không dùng thế chấp bằng tài sản mà thông qua cách thức đánh giá hệ số tín nhiệm, kết quả kinh doanh, tình hình đơn hàng, tình hình nguyên liệu, công nợ khách hàng, hàng tồn kho.

Các chính sách khác như miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí và các sắc thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… cũng cần được triển khai và triển khai đồng bộ, đúng thủ tục pháp lý nhưng phải nhanh gọn, linh hoạt để khuyến khích hoạt động sản xuất - kinh doanh của toàn xã hội.

Các giải pháp hỗ trợ cần thực hiện quyết liệt hơn

Ông Chu Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hà Ðô (HDG).

Những chính sách từ phía Nhà nước như “phao cứu sinh” cho nền kinh tế, hỗ trợ cho các ngành nghề sớm vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Việc hỗ trợ trực tiếp người lao động cũng là một chính sách tốt mang nhiều ý nghĩa nhân văn, song việc hỗ trợ trực tiếp đến doanh nghiệp, các đối tượng trực tiếp sản xuất cũng rất cần thiết.

Thực tế, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như thông qua các gói kích cầu hỗ trợ về lãi suất, giãn nợ, nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn để hỗ trợ được nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp.

Cụ thể, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư dự án.

Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi.

Cần tạo môi trường thuận lợi cho lớp doanh nghiệp mới ra đời

Ông Trần Thiên Hà, Phó Chủ tịch HÐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán APG.

Ðể phục hồi kinh tế, qua đó hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán, các cấp, các ngành cần triển khai những giải pháp trọng tâm cho phát triển sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp trụ lại được sau đại dịch, điều quan trọng nhất là cần khơi thông các dòng chảy vốn với chi phí thấp cùng với các dòng chảy về cung cấp nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu, các hoạt động thương mại để doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất - kinh doanh, chứ Nhà nước không thể và cũng không đủ nguồn lực bơm tiền cứu doanh nghiệp.

Hậu cao điểm chống dịch sẽ có một lượng doanh nghiệp bị đào thải khỏi thị trường do nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không phát sinh doanh thu, nhưng vẫn phải chi nhiều khoản cho thuê mặt bằng, giữ chân nhân sự…

Do vậy, để bù đắp lại năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm của lượng doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường này, rất cần các cơ quan quản lý tập trung cao độ cho tạo bước tiến thực sự sắc nét về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tiếp sức cho một lớp doanh nghiệp mới ra đời với năng lực kinh doanh sáng tạo, hiệu quả trong một môi trường minh bạch, chuyên nghiệp, tiết kiệm chi phí cả về thời gian và tiền bạc. Có như thế mới giúp nền kinh tế có thêm động lực tăng trưởng mới.

Tin bài liên quan