Theo dõi chặt chẽ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã dịu bớt căng thẳng, hoạt động thương mại toàn cầu tạm thời chưa bị ảnh hưởng tiêu cực mạnh như dự kiến ban đầu. Mặc dù vậy, theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc chiến thương mại này để có giải pháp ứng phó.
TS. Nguyễn Bích Lâm

TS. Nguyễn Bích Lâm

Mỹ tạm thời chưa áp thuế nhập khẩu 25% kể từ ngày 1/1/2019 thay cho mức 10% (áp dụng từ ngày 24/9/2018) đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD. Đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng từ Mỹ. Ông có nghĩ rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã qua giai đoạn căng thẳng?

Theo dõi chặt chẽ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngay từ đầu, tôi luôn cho rằng, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế khó có khả năng xảy ra, nếu có thì cũng không mạnh mẽ, căng thẳng như tuyên bố “ăn miếng, trả miếng” của hai bên, bởi thực ra, thương mại chỉ là con bài chính trị của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Kể từ đầu năm 2018, khi cuộc chiến thương mại bắt đầu nổ ra, nhiều thời điểm, hai bên tuyên bố rất hùng hồn, không khoan nhượng, nhưng cuối cùng cũng tìm cách giảm căng thẳng. Đúng là hai bên đã áp thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng của nhau, nhưng mức độ căng thẳng không như tuyên bố ban đầu.

Việc lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung mới đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại, như Mỹ tạm thời chưa áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc kể từ ngày 1/1/2019; đổi lại, Trung Quốc đồng ý mua sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng từ Mỹ càng cho thấy, chiến tranh thương mại chỉ là lá bài chính trị, nên không quá lo lắng.

Nhưng hai bên chỉ tuyên bố “tạm đình chiến” trong vòng 90 ngày. Thưa ông, sau thời điểm đó (1/4/2019), cuộc chiến thương mại vẫn có thể tiếp diễn?

Giả sử cuộc chiến thương mại nổ ra ở mức độ vừa phải, thì trước mắt, sẽ không ảnh hưởng tiêu cực nhiều tới Việt Nam.

Minh chứng cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra từ đầu năm và ngày càng căng thẳng, nhưng trong 11 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ 43,7 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 38 tỷ USD, tăng tương ứng 15% và 23,2% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 223,63 tỷ USD, tăng 14,4%.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong 11 tháng đầu năm là một trong những đòn bẩy giúp GDP năm nay tăng trưởng ở mức 6,7 - 6,8%, thậm chí cao hơn.

Cuộc chiến thương mại, nếu có xảy ra, sẽ có cả thuận lợi và bất lợi đan xen. Vấn đề là, chúng ta phải xác định rõ cái gì là thuận lợi, cái gì là bất lợi để có giải pháp ứng phó, nhằm phát huy tối đa thuận lợi và hạn chế bất lợi, tận dụng được cuộc chiến thương mại để tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo ông, Việt Nam có thể tận dụng gì ở cuộc chiến này, trong trường hợp leo thang căng thẳng?

Với cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường kinh tế, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi.

Thứ nhất, bản chất của cuộc chiến này là Mỹ muốn kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt là kiềm chế ở lĩnh vực phát triển công nghệ cao, ngăn cản nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao tại Mỹ nhằm giảm thiểu tác động của chiến lược “Made in China vào năm 2025” mà Trung Quốc đang theo đuổi. Nếu khai thác được khía cạnh này, Việt Nam có cơ hội phát triển công nghệ cao, nhóm hàng hóa, dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao.

Thứ hai, cuộc chiến Mỹ - Trung và Mỹ với các cường quốc kinh tế khác tạo cho Việt Nam động lực mạnh hơn trong việc liên kết, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đa phương, thay cho song phương để khắc phục việc quá phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đầu tư.

Thứ ba, đây cũng là động lực để Việt Nam mạnh dạn đàm phán, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ có rất nhiều thuận lợi để hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại, đầu tư.

Thứ tư, Việt Nam có thêm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh vào thị trường Mỹ, thay thế cho hàng Trung Quốc cũng như hàng hóa của các nước “tham chiến” với Mỹ trong cuộc chiến thương mại.

Thế còn những yếu tố bất lợi thì sao, thưa ông?

Cuộc chiến thương mại, nếu nổ ra, sẽ càng được mở rộng cả về quy mô lẫn mức độ, không chỉ dừng lại giữa Trung Quốc và Mỹ, mà còn xảy ra giữa các nền kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Thứ nhất, thời gian trước mắt, Việt Nam chưa bị tác động ngay, nhưng về lâu dài, với quy mô xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP, nền kinh tế càng ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu, nên cuộc chiến này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới Việt Nam.

Thứ hai, là nước đứng thứ 12 về quy mô nhập khẩu và thứ 5 về quy mô thương mại với Mỹ, với chính sách “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Donald Trump, không loại trừ khả năng nhiều mặt hàng Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại, giày dép… bị áp thuế cao nhằm hạn chế nhập khẩu, như Mỹ đã thực hiện với một số quốc gia khác.

Thứ ba, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra làn sóng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc, cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Trung Quốc cũng như doanh nghiệp Trung Quốc. Ra khỏi Trung Quốc tất nhiên phải tìm địa chỉ đầu tư mới, trong đó, Việt Nam là nơi đầu tư lý tưởng.

Đây là thuận lợi trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của nhiều dự án đầu tư nước ngoài có công nghệ không cao. Bên cạnh đó, những dự án có vốn đầu tư quy mô rất nhỏ, chỉ vài triệu USD, cũng đổ bộ vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, cuộc chiến thương mại tạo thêm rủi ro về gian lận thương mại, vì các nước chịu thuế nhập khẩu cao của Mỹ sẽ đầu tư vào Việt Nam và núp dưới nhãn hiệu, xuất xứ Việt Nam, nhưng giá trị gia tăng sản xuất ở Việt Nam rất thấp.

Thứ năm, một số nước lớn như Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa liên kết song phương và khu vực nhằm tập hợp lực lượng, giảm thiểu tác động xung đột. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này và có nguy cơ bị thua thiệt nếu chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện, kể cả kỹ thuật, năng lực lẫn nhân lực.

Tin bài liên quan