Thêm “lửa” cho nền kinh tế

Thêm “lửa” cho nền kinh tế

Năm 2013 khép lại với khá nhiều thành tựu ổn định kinh tế - xã hội. Tuy vậy, để ngăn đà tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế có xu hướng chậm lại hiện nay, rất cần phải có thêm động lực tăng trưởng.

Nhiều yếu tố khách quan, chủ quan và cả sự may mắn đã cùng góp phần đem lại những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua, như tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm dần, lạm phát bước đầu được kiểm soát.

Có quan điểm cho rằng, không cần phải làm gì nhiều với lạm phát, thì lãi suất vẫn có thể giảm thấp và tỷ giá ổn định do tổng cầu suy yếu nghiêm trọng và do giá nhiên liệu thế giới trong xu hướng giảm đáng kể. Nhận định này tuy có hơi thái quá, nhưng phản ảnh đúng phần nào diễn biến một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2013 mà Chính phủ đánh giá là thắng lợi và đi đúng hướng.

Điều quan trọng là, nếu như không có những định hướng xuyên suốt và chính sách vĩ mô cứ giật cục như nhiều năm trước đây, thì khó có thể nhận được tưởng thưởng từ những điều may mắn và cả yếu tố khách quan mang lại. Chính sách giật cục do thiếu niềm tin về những gì mình đang làm và do bị tác động bởi các nhóm lợi ích luôn là lực cản lớn nhất trong quá trình cải cách. Tất cả đã phần nào được cải thiện trong thời gian gần đây.

Những thành quả mang lại dù vậy vẫn còn quá nhỏ bé so với hàng loạt vấn đề hóc búa vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Các chính sách kinh tế vĩ mô luôn được các nhà làm chính sách diễn giải là để xử lý các vấn đề trong ngắn hạn và cùng lúc đó là hướng đến giải quyết những vấn đề dài hạn và căn cơ nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, điều mà mọi người thấy là các chính sách hiện nay quá thiên về xử lý các vấn đề ngắn hạn; còn các cải cách dài hạn hầu như giậm chân tại chỗ.

Tại sao như thế? Phải chăng các bộ, ngành đang thiếu giải pháp?

Câu trả lời là không. Các ý tưởng cải cách đột phá tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công và thị trường tài chính được các bộ, ngành công bố và chuyển tải trong các thông điệp của Chính phủ cho mọi người thấy, họ chứ không ai khác là người thấu hiểu rõ nhất, tường tận nhất với những lắt léo nhất mà chỉ người trong nghề mới có thể thấu hiểu hết. Các cuộc hội thảo đây đó, các báo cáo thường niên, cuộc họp các nhóm tư vấn chính sách nơi này, nơi nọ có cảm giác giống như phép thử góc nhìn của dư luận hơn là nơi bàn về các giải pháp.

Nhìn vào tên gọi của ba thông điệp đầu năm 2012, 2013 và 2014 của Thủ tướng, không khó nhận ra, Chính phủ đã thấy rõ những điểm mấu chốt nhất trong chặng đường phát triển phía trước. Thông điệp đầu năm 2012: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”; đầu năm 2013: “Kiên quyết khắc phục yếu kém, vượt qua khó khăn, tiếp tục kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, đưa đất nước phát triển bền vững”; và thông điệp đầu năm nay: “Hoàn thiện thể chế, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững”.

Có thể thấy rõ, thông điệp đầu năm 2014 của người đứng đầu Chính phủ vô cùng ấn tượng khi đặt mạnh trọng tâm vào hoàn thiện thể chế với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân như là những trụ cột chính để đưa đất nước phát triển bền vững.

Thông điệp đầu năm 2014 nhận định: “Trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại. Xã hội có không ít vấn đề bức xúc. Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.

Nhận định rằng, những yếu kém của đất nước trong những năm gần đây suy cho cùng thể hiện ở năng lực cạnh tranh ngày càng chậm được cải thiện và xã hội có không ít vấn đề bức xúc là nhận định rất chính xác. Các giải pháp đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân nếu đến sớm hơn và đi vào cuộc sống tốt hơn thì có lẽ đất nước đã không gặp phải nhiều khó khăn và bất trắc như trong thời gian qua.

Sự thấu hiểu của các vị lãnh đạo quốc gia, ý tưởng và giải pháp để giải quyết các khó khăn này là điều đáng được ghi nhận. Sự thấu hiểu, ý tưởng và giải pháp cho vấn đề là không khó. Điều khó nhất mà hầu hết người dân đều nhìn thấy rất rõ trong nhiều năm qua là liệu chúng ta có dám làm và dám chịu trách nhiệm. Lo lắng này đã kéo dài nhiều năm, nếu không tìm ra giải pháp khắc phục thì sẽ làm cho niềm tin xã hội ngày càng bị lung lay, tác động tiêu cực đến cải cách thể chế hay phát huy quyền làm chủ tập thể.

Khoanh tay hay thụ động trước những khó khăn hiện tại để an toàn cho bản thân và cho lãnh địa riêng của mình là rất có tội với Nhân dân. Bối cảnh kinh tế - xã hội trước mắt đòi hỏi những người có trách nhiệm phải hành động. Chúng ta cần khuyến khích số ít vị lãnh đạo trong năm vừa rồi đã dám làm và dám bảo vệ các quyết sách của mình đến cùng, bất chấp phản ứng số đông của dư luận trái chiều. Cái giá phải trả của việc khoanh tay ngồi nhìn để rồi không dám làm gì sẽ gây thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với cái giá phải trả của hành động. Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân những ngày đầu năm 2014 cần phải tạo ra cơ chế để xuất hiện nhiều người dám làm và dám chịu trách nhiệm hơn nữa. Có như thế mới có thể hy vọng về một năm mới 2014 với nhiều điều tốt đẹp.

Tin bài liên quan