Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng cao, đạt khoảng 21,6 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013

Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng cao, đạt khoảng 21,6 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013

Thêm dấu hiệu phục hồi kinh tế được ghi nhận trong tháng 2

Dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế tiếp tục được ghi nhận trong tháng 2/2014, đặc biệt là dữ liệu về xuất nhập khẩu rất khả quan.

Một thông tin được Tổng cục Thống kê cho là dấu hiệu sản xuất có xu hướng phục hồi khi công bố các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 2 và hai tháng đầu năm 2014. Đó là kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất đã tăng khá cao. Cụ thể, nhập khẩu các loại vải tăng 26,7% (270 triệu USD), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 39,2% (941 triệu USD), nguyên phụ liệu tăng 39,4% (175 triệu USD) và sản phẩm chất dẻo 36,8% (123 triệu USD).

Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu như Việt Nam, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng cao rõ ràng là dấu hiệu cho thấy, hệ thống doanh nghiệp đang chuẩn bị cho một kế hoạch sản xuất với các đơn hàng tốt hơn.

Nếu cần thêm minh chứng, thì việc kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng cao trong hai tháng đầu năm có thể là một ví dụ điển hình.

Theo số liệu từ cơ quan thống kê, hai tháng đầu năm 2014, cả nước ước xuất khẩu 21,06 tỷ USD, tăng 12,3% (2,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù đây là thời điểm trùng với các kỳ nghỉ Tết kéo dài, song tốc độ tăng này là khá cao. Kế hoạch của năm 2014, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu là 10%.

Năm 2013, xuất khẩu là một trong những động lực chính tạo nên mức tăng trưởng kinh tế 5,42%. Năm nay, theo ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. Dù Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 10%, tức là tương ứng chỉ tăng khoảng 13 tỷ USD so với năm trước, song khả năng sẽ đạt được cao hơn.

Chỉ lấy ví dụ mặt hàng điện thoại di động và linh kiện, năm 2014 được dự báo sẽ tăng rất mạnh, sau khi nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Thái Nguyên đi vào hoạt động trong tháng 3 tới. Kế hoạch của nhà sản xuất này, năm 2014, cả hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên sẽ xuất khẩu tới 35 tỷ USD.

Xuất khẩu tăng trưởng khá cũng đồng nghĩa với sản xuất công nghiệp cũng sẽ hồi phục. Số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2/2014 giảm 10,3% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 15,2% so với cùng kỳ. Giảm trong tháng 2 là dễ hiểu, vì đó là tháng Tết, kỳ nghỉ kéo dài.

Quan trọng là, tính chung hai tháng, IIP tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,4% cùng kỳ năm ngoái. Dấu hiệu phục hồi sản xuất càng trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, nếu như nền kinh tế cần phải đi đều cả hai chân, cả “chân” thị trường ngoại và “chân” thị trường nội, thì dường như, lợi thế đang thuộc về thị trường xuất khẩu, với các dự báo cũng như diễn biến khá tích cực từ nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Trong khi đó, thị trường trong nước vẫn tăng trưởng khá chậm, khi cầu của nền kinh tế tuy đã có những cải thiện nhưng chưa đáng kể. Tháng 2/2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thậm chí còn giảm 2,28% so với tháng 1/2014.

Sức mua còn yếu nên tháng 2/2014, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng này chỉ tăng 0,56% so với tháng trước, thấp nhất trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây. Cộng dồn, lạm phát sau hai tháng đầu năm hiện ở mức 1,27%.

Bình luận về con số này, Ngân hàng HSBC đã thẳng thắn cho rằng, việc CPI thấp hơn kỳ vọng cho thấy các hoạt động kinh tế của Việt Nam tiếp tục bị cản trở bởi niềm tin yếu của người tiêu dùng. “Các hoạt động kinh tế tiếp tục bị kéo xuống bởi niềm tin của người tiêu dùng ở mức thấp”, HSBC nhận định.

Dù theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, tại một hội thảo mới đây về kinh tế 2014, là thời kỳ đen tối của khủng hoảng lạm phát đã dần tan, và rằng, kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, song rõ ràng, khó khăn phía trước còn rất lớn.

Tin bài liên quan