Thế trận hội nhập của Việt Nam xoay sang hướng tích cực

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thay đổi “thế trận hội nhập” của Việt Nam những năm tới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Thưa ông, đúng như dự đoán, CPTPP sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12 tới, sau khi Australia trở thành nước thứ 6 chính thức phê chuẩn CPTPP, sau Nhật Bản, Mexico, Singapore, New Zealand và Canada. Là một trong những chuyên gia theo sát diễn tiến của hiệp định này, ông có thể nói gì vào thời điểm này?

Sau những dự đoán, tính toán về những tác động tích cực tới Việt Nam, đã đến lúc chúng ta hiện thực hóa các tác động đó. Tất nhiên, đi cùng với đó là những thách thức không nhỏ.

Nhưng điều quan trọng là thế trận hội nhập của Việt Nam đã xoay chuyển sang hướng tích cực, sau gần hai năm có thể nói là chậm lại, kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) vào đầu năm ngoái và những bước chậm của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Vào thời điểm này, cũng không thể không nhắc tới khả năng EVFTA có thể được ký kết trong nửa đầu năm 2019 và sẽ có hiệu lực ngay sau đó, có thể sớm hơn Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Việt Nam do hình thức phê chuẩn khác nhau.

Mặc dù phải thừa nhận, nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2015, khi TPP và EVFTA đều đang trong trạng thái thúc đẩy tích cực; chưa xuất hiện xu hướng bảo hộ; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện tại Khu vực Đông Á và Nam Á (RCEP) được khởi động đầy hào hứng, thế trận hội nhập hiện tại không bằng, nhưng chúng ta đã đến được thời điểm bắt tay vào làm.

Giới kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ hưởng lợi ngay từ các dòng thuế được cắt giảm theo cam kết giữa các thành viên đã ký kết CPTPP...

Việt Nam có thể kỳ vọng hưởng lợi ngay từ thương mại, đem lại lợi ích cho các hoạt động xuất khẩu. Điều này đúng, nhưng có thể phần gia tăng không còn nhiều với những thành viên mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương.

Nhưng với Canada có thể sẽ có tác động tích cực, vì là thị trường lớn thứ hai trong CPTPP và Việt Nam chưa có hiệp định thương mại song phương. Canada cam kết cắt giảm 94,9% tổng số dòng thuế nhập khẩu, tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam...

Mexico và Pêru cũng vậy, vì cơ cấu xuất nhập khẩu của các nước này có tính bổ sung hơn là cạnh tranh với Việt Nam.

Phần đầu tư khó dự đoán hơn, vì kinh tế thế giới đang khá bất định, được dự báo chưa có khởi sắc tích cực trong năm tới. Việc có được sự tăng trưởng đột phá trong dòng vốn FDI tới Việt Nam hay không còn phù thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế và các cách chúng ta kêu gọi đầu tư với mong muốn có được dòng vốn chất lượng, theo nghĩa chảy vào các dự án có tính lan tỏa, bền vững, công nghệ cao...

Hơn thế, dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tăng thêm xu hướng đầu tư Trung Quốc + 1, nhưng cũng chưa thể hồ hởi do những bất ổn trên thế giới vẫn còn khó lường.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh hơn vào thời điểm này là những tác động lên các kế hoạch cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam. Chúng ta không được từ bỏ thế trận này, mà cần giảm thiểu những bất lợi bằng cách tiếp tục xu hướng cải cách mạnh mẽ.

CPTPP vẫn được gọi là hiệp định thương mại thế hệ mới, có chất lượng cao vì  không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại..., mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước.

Có thể kỳ vọng sau khi được Quốc hội phê chuẩn, CPTPP sẽ thúc đẩy các kế hoạch tái cơ cấu của Việt Nam, thưa ông?

Quan điểm của tôi là, những tác động của CPTPP đến tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng có thể nhìn ở hướng những cam kết trong Hiệp định động tới thể chế, môi trường kinh doanh và những yêu cầu thay đổi. Nhưng không thể nói là các yêu cầu này tác động ngay lập tức đến thể chế, môi trường kinh doanh.

Vì sao tôi nói vậy. Chúng ta có một khoảng thời gian nhất định cho việc thực thi một số cam kết. Mấu chốt vẫn là chúng ta thực sự có muốn làm hay không, làm thế nào. Hiệu quả của các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi nhiều hơn nhu cầu tự thân của Việt Nam.

Ở góc độ chuyên gia, ông có thể có những khuyến nghị gì với doanh nghiệp, Chính phủ vào lúc này?

Có 3 điểm mà tôi muốn khuyến nghị.

Một là, tận dụng cơ hội mới mở ra khi CPTPP có hiệu lực về thương mại, vì trong bối cảnh hiện tại, nhu cầu đa dạng hóa thị trường là đòi hỏi cấp bách với doanh nghiệp. Nhưng đây cũng là cách thức chúng ta có thể hạn chế phần nào rủi ro, bất định của các cuộc chiến thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, nghĩa là vai trò của Chính phủ trong tạo dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới.

Hai là, tận dụng các cơ hội từ cải cách thể chế, chính sách tăng khả năng chống chịu và quan trọng góp phần vào thay đổi có tính nền tảng để tăng trưởng và phát triển của Việt Nam hiệu quả hơn. Đây cũng là điều chúng ta đang mong muốn thúc đẩy để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhưng các doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với những cuộc cạnh tranh khốc liệt, với những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi mới.

Ba là, về lâu dài, các cam kết này phải được thực hiện trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế.

Cả doanh nghiệp và Chính phủ đều cần phải thực hiện các yêu cầu này.

Tin bài liên quan