Vinapco hiện đang giữ vị thế độc quyền trên thị trường xăng dầu cung cấp cho máy bay.

Vinapco hiện đang giữ vị thế độc quyền trên thị trường xăng dầu cung cấp cho máy bay.

Thế khó!

(ĐTCK) Vụ việc của Công ty cổ phần Xăng dầu hàng không (Vinapco) bị xử lạm dụng vị thế độc quyền trong cung cấp nhiên liệu bay có vẻ lắng xuống sau khi Vietnam Airlines có công văn cho rằng, không thể giải quyết tình trạng độc quyền trong lĩnh vực cung cấp xăng dầu hàng không bằng việc tách Vinapco ra khỏi Vietnam Airlines. Tuy nhiên, phần chìm của tảng băng vẫn rất lớn và tiềm ẩn nhiều căng thẳng. Từ tranh chấp hợp đồng mua bán xăng dầu giữa Vinapco và Jestar Pacific Airlines với phán xét vi phạm Luật Cạnh tranh, lạm dụng vị thế độc quyền dành cho Vinapco, câu chuyện độc quyền doanh nghiệp và độc quyền nhà nước lại nổi lên.

 

Nhắc lại vụ việc. Vinapco bị Hội đồng Cạnh tranh quốc gia xử phạt hơn 3 tỷ đồng do liên quan đến việc ngừng cung cấp xăng dầu ngày 1/4/2008 cho Jestar Pacific Airlines dẫn đến việc 500 hành khách bị vạ lây. Tuy nhiên, lý do buộc Vinapco phải hành xử mạnh như vậy là do bị các hãng hàng không gây nợ đọng kéo dài. Cụ thể, tới tháng 4/2009, Indochina Airlines nợ Vinapco 18,54 tỷ đồng, Jetstar Pacific Airlines nợ hơn 57 tỷ đồng. Phía Vinapco cho rằng, căn cứ theo hợp đồng mua bán xăng dầu đã ký, Vinapco hoàn toàn có quyền ngừng cung cấp xăng dầu cho 2 hãng này.

Tuy nhiên, thế khó của Vinapco chính là vị thế độc quyền của doanh nghiệp trong thị trường xăng dầu cung cấp cho máy bay hiện nay. Cho dù vị thế này được tạo ra ngoài mong muốn của Vinapco, do yếu tố lịch sử cũng như thực tế về một bộ phận quan trọng của doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong một khung khổ pháp lý và cơ chế vận hành riêng biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác, nhưng rõ ràng, với vị thế độc quyền nhà nước, Vinapco bị buộc phải có cách ứng xử khác với thông thường, nhất là khi quyết định ngừng cung cấp xăng dầu cho các hãng hàng không khác sẽ ảnh hưởng rất lớn tới không chỉ hoạt động của các hãng hàng không, mà còn tác động tới cả hoạt động giao thông hàng không quốc gia... Thường thì doanh nghiệp nhà nước ở vị thế độc quyền này rất dễ lấn qua giới hạn của Luật Cạnh tranh về kiểm soát độc quyền.

Chắc là Vinapco sẽ khó thực hiện lại quyết định kiểu độc quyền như trên, song cũng không dễ để Vinapco thực hiện được mục tiêu kinh doanh có lãi mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải hướng tới. Đây là trở ngại lớn của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế, tác động mạnh đến đời sống xã hội.

Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động của Vinapco và những doanh nghiệp nhà nước tương tự không dễ thở trong vị thế độc quyền mà họ đang nắm giữ. Theo bình luận của các chuyên gia về doanh nghiệp nhà nước, nguyên nhân chính là chưa có quy định rõ ràng về thương mại nhà nước và doanh nghiệp thương mại nhà nước. Hệ thống pháp luật hoặc hướng dẫn về lĩnh vực thương mại nhà nước chưa hình thành. Quy định về lĩnh vực và ngành nghề độc quyền nhà nước còn chưa rõ ràng, đầy đủ, cho dù lượng doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực độc quyền nhà nước, lĩnh vực cấm kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp không nhỏ. Hơn thế, ngay các quy định trong pháp luật và chính sách nhà nước hiện chưa tạo điều kiện để công ty nhà nước trở thành một pháp nhân hoàn toàn độc lập trong hoạt động kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước thường kêu ca về tình cảnh "trên đe dưới búa" khi các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đều không nằm ở doanh nghiệp, mà rải rác ở các cơ quan quản lý nhà nước; cơ chế quản lý vốn, tài sản, chi phí, doanh thu, lợi nhuận theo một khuôn mẫu do Nhà nước xác định. Đặc biệt, doanh nghiệp nhà nước lớn hiện tại vẫn phải chịu sự can thiệp không nhỏ của các cơ quan nhà nước vào hoạt động kinh doanh, nhất là những hoạt động kinh doanh mang tính công ích, vì mục tiêu xã hội. Một số tổng công ty hạng đặc biệt và tập đoàn kinh tế cũng khó khăn không kém khi chưa được tự chủ trong việc xác định đơn giá tiền lương như các doanh nghiệp khác. Cán bộ quản lý chủ chốt của nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn là công chức nhà nước, được bổ nhiệm bằng quyết định hành chính, chưa áp dụng chế độ hợp đồng lao động và chưa tham gia thị trường lao động. 

Hệ quả là hệ thống pháp luật về quản lý, giám sát đối với doanh nghiệp thương mại nhà nước nói riêng chưa đầy đủ, thậm chí chưa có quy định rõ ràng trong việc xác định các tiêu chí và điều kiện để Nhà nước lựa chọn doanh nghiệp được kinh doanh trong lĩnh vực thương mại nhà nước. Hiện tại, cũng khó xác định cụ thể điều kiện gì để lựa chọn doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu thuốc lá... Điều đáng nói là trong bối cảnh này, độc quyền nhà nước dễ bị đẩy thành độc quyền doanh nghiệp và nhiều khi bị lợi dụng, tác động ngược tới nền kinh tế.