Hội nghị cho Ý kiến dự thảo để án Xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hội nghị cho Ý kiến dự thảo để án Xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Thanh Hóa xác định 4 trụ cột phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa tổ chức hội nghị Tổ công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để cho ý kiến vào Dự thảo báo cáo Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh thanh hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” .

So với Dự thảo lần 1, tại Dự thảo lần 2, Đề án đã luận giải thêm một số nội dung về sự cần thiết xây dựng Đề án. Làm rõ thêm một số nét nổi bật về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng của tỉnh trong 10 năm qua.

Đồng thời, Dự thảo Đề án cũng đã điều chỉnh, bổ sung các đề xuất, kiến nghị với Trung ương về cơ chế chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới; bổ sung thêm các giải pháp về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…

Thảo luận, cho ý kiến đối với Dự thảo lần 2 của Đề án, các đại biểu bổ sung, làm rõ nội hàm 4 luận cứ chứng minh sự cần thiết xây dựng Đề án và ban hành nghị quyết gồm: Vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của tỉnh Thanh Hóa trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nêu lên vai trò, vị trí chiến lược quan trọng, lâu dài của tỉnh Thanh Hóa đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh tổ quốc trong thời kỳ mới; đồng thời khẳng định tỉnh Thanh Hóa có đầy đủ yếu tố, điều kiện để trở thành một cực tăng trưởng của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và cả nước, trong đó nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Nghi Sơn và lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông cho phép Thanh Hóa mở rộng kết nối với bên ngoài, gồm khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan. Dự thảo Đề án cũng đã nêu lên sự cần thiết xây dựng Đề án là xuất phát từ những khó khăn, hạn chế và đòi hỏi nội tại về phát triển của tỉnh, cần phải có cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới.

Về phần đánh giá tình hình, các đại biểu đã cho ý kiến bổ sung thêm một số thành tựu nổi bật, các điểm nhấn trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng Đảng của tỉnh trong 10 năm, giai đoạn 2011 – 2020, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII

Đối với định hướng xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các đại biểu đề nghị: Phải xác định Khu kinh tế Nghi Sơn là trọng điểm, là động lực phát triển của tỉnh, đồng thời có sức lan tỏa đối với các vùng kết nối và cả nước.

Các mục tiêu cụ thể cần xác định hai giai đoạn là 2020 – 2025 và 2026 – 2030, đồng thời phải thống nhất với các mục tiêu trong quy hoạch phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Các giải pháp phải thực sự khả thi, cụ thể và lượng hóa, phù hợp với đặc thù riêng của tỉnh và xu thế phát triển.

Đại diện đại biểu của Ban kinh tế Trung ương và các đại biểu tỉnh cũng đã cho ý kiến vào quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh việc phát triển phải toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng và đề nghị dự thảo cần bổ sung thêm quan điểm về ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Kết luận hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác của Ban thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao sự tích cực, cố gắng của cơ quan soạn thảo dự thảo Đề án, đồng thời trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các thành viên Tổ biên tập, Tổ công tác và đề nghị Sở Kế hoạch đầu tư, Văn phòng Tỉnh ủy tiếp thu, bổ sung, hoàn chỉnh đề án.

Về sự cần thiết ban hành Đề án, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu tổ biên tập cần nêu rõ 3 nội dung gồm: Thứ nhất là Thanh Hóa có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh của đất nước. Hai là, Thanh Hóa có đầy đủ các yếu tố để trở thành một cực tăng trưởng kinh tế mới, một trong những trung tâm về văn hóa, xã hội, y tế, thể thao, du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.

Bên cạnh những yếu tố về kinh tế, xã hội và tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, tổ biên tập cần bổ sung yếu tố về quyết tâm và khát vọng phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thứ ba là cần nêu rõ những khó khăn, hạn chế nội tại của tỉnh và những vướng mắc về thể chế, từ đó đòi hỏi phải có những cơ chế đặc thù để tháo gỡ, khắc phục.

Tin bài liên quan