Thách thức mục tiêu CPI 2020 dưới 4%

Thách thức mục tiêu CPI 2020 dưới 4%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 4,19%, việc kiểm soát chỉ số này cả năm dưới 4% như mục tiêu đang gặp thách thức bởi nhiều yếu tố khó lường.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng trước, mức tăng cao nhất của tháng 6 trong thời gian từ năm 2012 đến nay. Trong khi đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay cũng tăng rất cao so với cùng kỳ nhiều năm gần đây, tới 4,19%. Diễn biến này là khá bất thường khi 2 quý đầu năm, đặc biệt là quý II, tăng trưởng kinh tế suy giảm mạnh do tác động nặng nề từ dịch Covid-19.

Đánh giá về các yếu tố ảnh hưởng tới lạm phát trong 6 tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, khả năng gia tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế là yếu tố mới xuất hiện rất đáng lưu ý.

Theo đó, với động thái tích cực giải ngân từ các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm thực hiện chính sách của Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, dự kiến nguồn cung tiền từ các gói hỗ trợ tín dụng này sẽ tác động rõ tới CPI trong quý III và kéo dài trong quý IV. Mặt khác, việc Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cùng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kích cầu trong nước sẽ góp phần đẩy giá một số loại hàng hóa và dịch vụ tăng.

Theo ước tính của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc tăng khung trần giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa sẽ làm giá dịch vụ hàng không bình quân theo giá trần tăng 4,69%, tác động làm CPI chung tăng 0,003%. Học phí tiếp tục tăng trong năm 2020 theo lộ trình sẽ tác động vào CPI chung khoảng 0,35%. Việc tăng giá sách giáo khoa lớp 1 sẽ làm CPI năm 2020 tăng khoảng 0,02 – 0,04%.    

Ngoài ra, việc Chính phủ tiếp tục sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ để bù đắp cho tác động do dịch Covid-19 cũng sẽ dẫn đến tăng trưởng tín dụng trong nước ở mức cao và thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ hồi phục và tăng mạnh từ quý III/2020 khi dịch bệnh đang được kiểm soát hiệu quả.

Với dự kiến của Ngân hàng Nhà nước, lượng tín dụng trong năm 2020 có thể tăng thêm cho nền kinh tế khoảng 900.000 - 1.100.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng từ 11 - 14%, góp phần tác động đến lạm phát cùng với nới lỏng chính sách tiền tệ và bội chi tăng cao do thu thuế sụt giảm.

Bên cạnh đó, hai yếu tố lớn tiềm ẩn áp lực làm tăng mạnh CPI vẫn là giá thịt lợn và giá dầu, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến việc điều hành giá và kiểm soát lạm phát ở Việt Nam khó khăn hơn các năm trước rất nhiều. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, giá thịt lợn tăng và giá dầu giảm được chỉ rõ là hai yếu tố chi phối khiến CPI diễn biến khá bất thường trong 6 tháng đầu năm. Bất chấp hàng loạt động thái chính sách của Chính phủ, giá thịt lợn trong hai quý đầu năm nay vẫn tăng mạnh, khiến giá thực phẩm 6 tháng qua tăng tới 14,28% so với cùng kỳ năm ngoái, từ đó gây áp lực lên chỉ số CPI tổng thể.

Đối với giá dầu, đây cũng lại là một yếu tố diễn biến rất bất ngờ khi giá dầu (WTI) trên thị trường thế giới đã giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 57 USD/thùng trong quý IV/2019 xuống còn trung bình khoảng 27 USD/thùng trong quý II/2020 do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Việc giá xăng dầu giảm mạnh đã khiến chỉ số giá giao thông giảm trung bình 9,26% trong 6 tháng đầu năm nay và cân bằng phần lớn các tác động tiêu cực từ việc giá thịt lợn bị neo ở mức cao. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến cho lạm phát cơ bản trong 6 tháng đầu năm tăng chậm hơn, ở mức trung bình 2,81% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, diễn biễn này sẽ đảo chiều khi giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại trước các động thái tiếp tục giảm mạnh sản lượng khai thác dầu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC). Giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 9/2020 dự báo có thể tăng lên mức 41,63 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) liên tục tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng qua là 39,43 USD/thùng và vẫn có xu hướng tiếp tục tăng.

Mặc dù vẫn có những yếu tố giúp CPI giảm nhiệt như sức cầu trong nước vẫn khá yếu, song theo nhìn nhận của các chuyên gia, những diễn biến này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc kiểm soát lạm phát ở Việt Nam trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn trong đà suy thoái do tác động của dịch Covid-19.  

Trong điều kiện này, tính toán của Viện Kinh tế Tài chính cho thấy, với việc CPI tháng 6/2020 tăng 3,17% so với cùng kỳ năm trước, mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4% trong năm 2020 sẽ có thể đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng dưới 0,6%/tháng.

“Điều này là khả thi nếu Chính phủ tiếp tục cho phép nhập khẩu thịt lợn hơi, lợn giống để tăng nguồn cung, đồng thời người nông dân đẩy mạnh tái đàn và làm tốt các biện pháp để giữ không cho giá lợn tăng cao; giá dầu ở quanh mức 40 USD/thùng nếu dịch bệnh Covid-19 được các nước khống chế thành công”, TS. Độ khuyến nghị.       

Ông Nguyễn Quốc Lân, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp thương mại, Bộ Công thương

Dự báo, giá thịt lợn tháng 7/2020 vẫn ở mức cao, tương đương với cuối tháng 6, do nguồn cung vẫn thiếu, nguồn nhập khẩu hạn chế và giá nhập cũng đang tăng. Theo tính toán, sớm nhất là quý IV/2020, nguồn cung thịt lợn mới phục hồi về mức tương đương trước khi có dịch tả châu Phi. Trong khi nguồn thịt nhập khẩu trong thời gian tới có thể không dồi dào, ảnh hưởng đến giá thịt lợn tại thị trường trong nước.

Trong ngắn hạn, chắc chắn giá thịt lợn dự báo khó giảm mạnh bởi nguồn thịt lợn Thái Lan còn rất ít. Hiện giá thịt lợn tại nước này cũng đã chạm mốc 70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với trước đây. Ngân hàng Rabobank dự đoán giá thịt lợn sẽ tiếp tục biến động mạnh trong năm 2020 do sự gián đoạn tại các thị trường vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sự sụt giảm sản lượng tại châu Á.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục duy trì tình trạng đóng cửa. Kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái và những nước dễ bị tổn thương có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ. Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn; Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang bất đồng nội bộ sâu sắc. Ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi hoành hành tiếp tục đẩy giá lợn lên cao; quy luật giá tăng vào những tháng cuối năm do cung - cầu. Đây sẽ là những nhân tố tiềm ẩn nguy cơ làm tăng mạnh CPI trong 6 tháng cuối năm.

Riêng với yếu tố giá thịt lợn, vẫn tiềm ẩn diễn biến rất khó lường. Đến nay, cả nước còn gần 240 xã thuộc 18 tỉnh vẫn có bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày, 20 tỉnh tái phát dịch. Do đó, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng vẫn rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng việc tái đàn, tăng đàn và đảm bảo nguồn cung thịt lợn, khiến giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao.

Giá thịt lợn hơi thời gian tới có thể tiếp tục tăng cao hơn mức cuối tháng 6 là 89.000 - 92.000 đồng/kg, nếu không có biện pháp kiểm soát dịch và tái đàn, tăng nguồn cung thịt ra thị trường. Đáng lưu ý, đây là mặt hàng chiếm quyền số cao với tỷ trọng tới 4,2% trong rổ hàng hóa tính CPI. Trong khi đó, trên thị trường hàng hóa, thịt lợn đang là mối lo rõ nhất khi các chủ trương kéo giảm giá mặt hàng này vẫn chưa có tác dụng rõ rệt.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Với việc dịch bệnh được kiểm soát tốt từ cuối quý II, sẽ có sự bật tăng trở lại của sản xuất, đầu tư, tiêu dùng, do đó, nếu việc điều hành chính sách giá cũng như thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, có thể sẽ khiến lạm phát vượt mức kiểm soát mục tiêu là 4%. Với diễn biến chỉ số CPI bình quân các tháng đầu năm đã tăng cao, CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 có thể tăng khoảng 4 - 4,5%, nếu không quyết liệt kiểm soát. Do đó, cần tiếp tục quan tâm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả.

Tin bài liên quan