Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng miền trung và Tây Nguyên

Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng miền trung và Tây Nguyên

Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2020 khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Nằm trong khuôn khổ chương trình tổ chức 4 Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 tại 4 Vùng trên cả nước, sáng nay (12/8), tại Thừa Thiên Huế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 Vùng miền Trung và Tây nguyên.

Hội nghị có sự tham gia của các đại điện cơ quan trung ương như Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và đại diện của Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế - Khu công nghiệp, Cục Thống kê của các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên hứa hẹn là nơi trao đổi thẳng thắn về tất cả các lĩnh vực xây dựng kế hoạch, đầu tư, đầu tư công, thúc đẩy giải ngân, liên kết vùng, đấu thầu, phát triển doanh nghiệp,…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, 4 Hội nghị khu vực về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2020 thể hiện sự đổi mới về công tác lập và xây dựng kế hoạch hàng năm, so với những năm trước là bộ mời các địa phương lên nghe, thì đây là năm thứ 2 bộ tổ chức hội nghị để hướng dẫn các địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công. Đây là cách làm mới để nâng cao hiệu quả, tập trung trong công tác lập kế hoạch, tạo sự chia sẻ lẫn nhau, tạo sự gắn kết trong công tác xây dựng kế hoạch giữa các địa phương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung, Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Diện tích hơn 150 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người. Những năm qua, khu vực có những bước đầu tận dụng tiềm năng trong kinh tế - xã hội và đạt những kết quả tích cực. Năm 2018, các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thì có 12/14 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước; Tây Nguyên có 4/5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn cả nước.

Vùng miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh gồm: vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung 14 tỉnh từ: Thanh Hóa đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên. Bình quân cả Vùng miền Trung 8,5%. 10/14 tỉnh cao hơn bình quân cả nước (cả nước 6,76%). Bình quân Tây nguyên 7,3% cao hơn cả nước.

Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kết nối giữa hai miền Nam - Bắc. Biển miền Trung là tài nguyên Quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, chiều dài đường bờ biển 1.900 km là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn là “bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.

Trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng bình quân của 14 tỉnh miền Trung 8,5% và 5 tỉnh Tây Nguyên là 7,3%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2020 khu vực miền Trung và Tây Nguyên ảnh 1

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Hội nghị

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tại Hội nghị sẽ tập trung thảo luận 3 nội dung gồm:

Một là, đánh giá tình hình kế hoạch kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2019. Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2019, kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2018, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2019 sát với thực tế. Tập trung làm rõ những vướng mắc, khó khăn; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện kế hoạch; đề xuất, kiến nghị giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. 7 tháng đầu năm 2019, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, tỷ lệ giải ngân khối địa phương chỉ đạt 36,16%. Chính phủ và TTgCP rất quan tâm đến việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Hai là, về xây dựng kế hoạch phát triển ktxh và đầu tư công năm 2020. 2020 là năm cuối có tính chất quyết định trong việc đạt được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của cả nước cũng như các địa phương. Việc xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 cần bám sát tình hình thực tế, đặc biệt là các chỉ tiêu chủ yếu như: GRDP; thu ngân sách…nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Ba là, về định hướng KHĐTC trung hạn 2021 - 2025. Mục đích là trao đổi những nội dung ban đầu về một số vấn đề có liên quan đến xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Giai đoạn 2016-2020 là lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên còn nhiều vấn đề, do đó cần rút kinh nghiệm để chúng ta xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hiệu quả và có tính khả thi cao hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của thủ tướng chính phủ tại Chỉ thị số 20 CT/TTgCP ngày 29/7/2019.

Phát biểu đáp từ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức 4 Hội nghị là cách làm mới, tiên phong trong cải cách, sáng tạo làm cơ sở, kịp thời triển khai kế hoạch năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là vùng đất tuy còn nhiều khó khăn, nhưng có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển kinh tế tổng hợp; liên kết phát triển tạo ra một cực tăng trưởng mới của Việt Nam; trong thời gian qua, các tiềm năng này đã được các tỉnh, thành trong vùng nỗ lực khai thác, phát huy thế mạnh phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo ông Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế cũng như nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các Bộ, ban ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển Vùng; cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho Vùng năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với Vùng Đông Nam Bộ và Đồng Bằng Sông Hồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với các ban, bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cơ chế, chính sách trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công; triển khai Quy hoạch Quốc gia, Quy hoạch Vùng, quy hoạch Tỉnh; phát triển các khu kinh tế, công nghiệp/cụm công nghiệp; các lĩnh vực: đấu thầu, thu hút đầu tư, phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã...

Lắng nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương và các Vụ chức năng, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung đánh giá, 6 tháng đầu năm, kinh tế xã hội của các địa phương trong Vùng đạt được kết quả tích cực, cao hơn mức trung bình của cả nước. Các nội dung triển khai Nghị quyết 01, 02, Nghị quyết 35 được triển khai đạt kết quả tích cực.

Theo Thứ trưởng, việc các mục tiêu, chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2019 đều đạt theo kế hoạch, đặc biệt việc nhiều địa phương đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH năm 2020 cao hơn năm 2019 cho thấy quyết tâm cao của các địa phương. Đây là tiền đề để các địa phương hướng đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016-2020, đồng thời đặt nền tảng để xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 2021-2025.

Về vấn đề xây dựng kế hoạch đầu tư công: việc cân đối nguồn lực trong giai đoạn 2016-2020 còn khó khăn, cần sự chia sẻ của các địa phương. Do đây cũng là giai đoạn đầu tiên làm kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chúng ta cũng chưa hình dung đc đầy đủ về khả năng cân đối nguồn. Tại hội nghị này, các địa phương cần nêu ra các khó khăn, vướng mắc, những cản trở trong thực hiện kế hoạch đầu tư công để cùng bàn thảo, tìm giải pháp tháo gỡ.

Về việc xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 2021-2025, Thứ trưởng lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần quan tâm đến các vấn đề sau:

- Lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng.

- Các địa phương nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các dự án quan trọng. Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sự mất cân đối trong sử dụng ngân sách.

- Quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công sửa đổi. Nội dung của Luật ĐTC có nhiều điểm mới, đã sửa đổi, tháo gỡ, đơn giản hoá trong thực hiện kế hoạch ĐTC. Đây sẽ là căn cứ để kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 khả thi cao hơn giai đoạn trước.

Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế xã hội và đầu tư phát triển năm 2019, dự kiến năm 2020, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Kinh tế địa phương và lãnh thổ cho biết:

Theo dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong Vùng đạt và vượt kế hoạch đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, riêng chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn dự kiến chỉ đạt 94,57% so với kế hoạch; Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thời gian qua, các tỉnh trong vùng đã chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước để đảm bảo huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Công tác cải cách hành chính đạt được kết quả tích cực. Công tác an sinh và phúc lợi xã hội đạt kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định, tình hình trật tự giao thông cơ bản đảm bảo.

Tin bài liên quan