Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường ở châu Âu, Mỹ... đang được các doanh nghiệp xúc tiến khi các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc gặp khó

Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường ở châu Âu, Mỹ... đang được các doanh nghiệp xúc tiến khi các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc gặp khó

Tác động của dịch Corona và cơ hội làm khác

Trong khi các cuộc họp đánh giá tác động của dịch Corona tới kinh tế Việt Nam năm 2020 của các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế đang diễn ra gấp gáp, thì nhiều doanh nghiệp cũng đã hành động.

Hapro vừa công bố sẽ tăng cường tiêu thụ thanh long, dưa hấu, bên cạnh các hoạt động thu mua các sản phẩm nông sản thường xuyên để tiêu thụ trong hệ thống siêu thị của mình.

Tập đoàn Central Retail, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Big C đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho danh sách các sản phẩm nông sản tồn đọng để lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tiêu thụ hỗ trợ bà con nông dân.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) thông tin các nhà nhập khẩu ở Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm hàng thủy sản đông lạnh để chuẩn bị đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng thay đổi sau khi dịch cúm được kiểm soát... Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường ở châu Âu, Mỹ... đang được các doanh nghiệp xúc tiến khi các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc gặp khó. Các cuộc thảo luận, mua bán, giám sát chất lượng hàng hóa online đã được kích hoạt.

Vinatex, Dệt kim Đông Xuân, May Đồng Nai... đang tăng công suất sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, cung ứng ra thị trường với giá bình ổn... cho dù đây không phải là mặt hàng chính của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Một điểm chung dễ nhận thấy, đó là trong nhiều kế hoạch kinh doanh “thời chiến” được các doanh nghiệp kích hoạt, mục tiêu không chỉ tháo gỡ các vấn đề trước mắt, mà quan trọng là sự xoay chuyển về tư duy kinh doanh.

Những tác động bất lợi, khó lường của dịch bệnh đã đẩy nhiều doanh nghiệp đi nhanh hơn trong các kế hoạch tái cơ cấu, tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới, mô hình, cách thức kinh doanh mới... Thậm chí, một số doanh nghiệp có tư duy kinh doanh cổ hủ, duy ý chí, thiếu tính thị trường, phi văn hóa cũng đã lộ diện và chắc chắn sẽ không còn cơ hội tồn tại trong thị trường đang hướng theo sự thân thiện, nhân văn trong kinh doanh.

Tất nhiên, mọi sự thay đổi, chuyển dịch đều có giá, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang làm khó nhiều kịch bản phát triển của các ngành, nghề, nhất là nông nghiệp, du lịch, vận tải hành khách... Trong bài toán kinh doanh, doanh nghiệp sẽ buộc phải tính toán, cân đối và lựa chọn phương án phát triển phù hợp.

Chỉ riêng chi phí bảo quản đông lạnh hàng thủy sản, dù kho của doanh nghiệp hay đi thuê, ước tính ít nhất 0,9 đến 1 USD cho một đơn vị hàng. Hay việc tìm kiếm thị trường mới, xây dựng quy hoạch vùng trồng theo xu hướng tiêu dùng mới của thị trường toàn cầu, thay vì tập trung vào thị trường Trung Quốc cũng đòi hỏi chi phí không hề nhỏ... Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam cũng đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh kho lạnh bảo quản nông sản, như giảm giá điện với các doanh nghiệp này...

Đây cũng là lúc “bàn tay nhà nước” phải làm việc, đồng hành cùng nỗ lực chuyển dịch tích cực của doanh nghiệp, để các nguồn lực được giải phóng một cách mạnh mẽ, hiệu quả nhất. Việc cắt giảm tối đa rào cản về thủ tục hành chính, thúc đẩy tư duy mới trong phát triển kinh tế, đặc biệt là các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh... đang cần sự vào cuộc của không chỉ các bộ, ngành, mà của từng công chức.

Dịch cúm Corona chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhưng có thể cũng là chất xúc tác để thúc đẩy sự thay đổi, chuyển dịch lên những nấc thang phát triển mới của từng người dân, của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Chìa khóa nằm trong tay theo trách nhiệm của từng người...

Tin bài liên quan