Tác giả Trần Quốc Hưng  (bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng một người bạn quốc tế.

Tác giả Trần Quốc Hưng (bìa phải) chụp ảnh kỷ niệm cùng một người bạn quốc tế.

Ta đã sẵn sàng đón hội nhập hay chưa?

(ĐTCK) Năm qua con tàu kinh tế Việt Nam đã chuyển mình mạnh mẽ, dường như đang vặn mình đúng hướng trong biển khơi hội nhập để tiến về một tương lai tươi sáng. 

Như một quy luật tài tình của tạo hoá, cứ đúng 365 cộng một phần tư của ngày, Vũ trụ càn khôn xoay vần, lại đưa trái đất xinh đẹp trở về điểm ban đầu cho vòng xoay mới. Nhân gian vui đón mừng năm mới, Tết về cũng là thời gian để tâm trí con người hướng về nguồn cội. Thể trạng được nghỉ ngơi đón chờ vận mệnh mới, với khát vọng cao hơn.

Dịp cuối năm, khi nhận được câu hỏi: “Là người chu du khắp thế giới, cảm nghĩ của bạn như thế nào về sự hội nhập của kinh tế Việt Nam?”, câu trả lời của tôi chắc chắn là: Năm nay, tôi rất vui, tâm hồn bình yên thấy lạ.

Ta đã có một năm kinh tế đạt rất nhiều thành tựu tốt đẹp, giá cả ổn định, hàng hoá không khan hiếm, hỗn loạn. Quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu đang tác động tích cực đến nhiều mặt tại Việt Nam. Nhưng trong cái vui, thoáng nhìn lại. Nếu chúng ta “thay đổi” một chút, có lẽ cái vui sẽ còn viên mãn hơn.

Ðiều đầu tiên tôi muốn nói đến cái “yếu” của dân mình trong phát triển kinh tế, đó là phần lớn trong chúng ta vẫn hơi lười biếng. Các bạn đã nghe, khi bắt đầu hội nhập, người dân Hàn Quốc đã lao động vất vả hết sức mình, một ngày làm việc từ 14 - 16 tiếng đồng hồ.

Người dân Ðức đến giờ, khi đất nước đã phát triển và phồn thịnh, họ vẫn không muốn nghỉ ngơi sớm. Khi đến tuổi hưu, nhiều người vẫn cố gắng đi tìm việc để tiếp tục lao động, cống hiếm.

Không phải tự nhiên mà năng suất lao động của một người Singapore lại cao gấp 4 hay 5 lần chúng ta. Họ hăng say lao động, nên tạo ra nhiều của cải cho xã hội, khiến xã hội vận động nhanh hơn, tạo nên những “Con Rồng” kinh tế, được cả thế giới khâm phục và ước muốn.

Trong khi ở ta, thời gian rảnh của người lao động còn nhiều quá. Người mình luôn muốn được hưởng lương cao, thu nhập tốt, nhưng trong công việc, cứ hở ra là lại đi ngồi trà đá, thuốc lá, thuốc lào…

Thời gian thừa nhiều nên sinh ra muôn hội hè, đình đám. Nay việc hiếu, mai việc hỷ và hội này, hè kia. Các đường phố luôn tấp nập người đi lại. Ngay trong giờ làm việc, quán xá vẫn ồn ào, đông vui. Không cần kiểm kê cũng biết, chúng ta đã mất biết bao thời gian, bao cơ hội bị lãng phí và số tài sản làm ra cho nước nhà.

Trong cái vui, thoáng nhìn lại, nếu chúng ta thay đổi một chút, có lẽ cái vui sẽ còn viên mãn hơn.   

Câu nói tự hào bao đời “Người Việt Nam rất cần cù, chịu khó”, ngày nay có lẽ không còn đúng nữa. Nếu chúng ta cùng nhìn lại để lao động nhiều hơn và tích cực hơn, để có thu nhập tốt hơn thì chắc chắn sẽ góp sức làm ra nhiểu của cải cho xã hội hơn.

Ðiều thứ hai cần sửa trong quá trình hội nhập của chúng ta, có lẽ chính là việc ta thích được… “nói hộ chuyên môn người khác”! Mạng xã hội ra đời, mang đến rất nhiều thông tin và các góc nhìn thú vị cho bất cứ ai biết dùng Internet.

Nhưng có lẽ, không đất nước nào hào hứng tiếp nhận và hồ hởi tham gia mạng xã hội với nhiều ảnh hưởng và hệ lụy như ta. Chúng ta hăng hái bình luận, chia sẻ những vấn đề nổi lên, rồi kết luận chắc nịch, như cán cân công lý.

Thông tin nhiễu động khiến tâm lý xã hội lung lay, đôi phen gây rất vất vả cho người hữu trách. Ðể hội nhập nhanh và tốt hơn, xin hãy nhớ, chỉ có bắt tay vào lao động mới tạo ra kết quả. “Suy tư”, “chém gió”, “thích”, “chia sẻ” hay “kết luận”... đều không tạo ra thành quả cụ thể nào.

Giá mà chúng ta luôn nhắc mình hãy uốn lưỡi trước khi thể hiện quan điểm, rằng “liệu mình có hiểu rõ điều đó không!?” và rằng “nếu mình ở địa vị đó, có chắc rằng sẽ làm được tốt hơn không!?”…

Ðiều thứ ba là Sợ. Sợ cái mới mẻ. Từ hội nhập, trong ý nghĩa nào đó nó đã bao hàm nghĩa tiếp nhận và chấp nhận. Nhưng rất nhiều ý tưởng mới, thông lệ tốt của thế giới chưa kịp có cơ hội được nhập vào thì đã bị chúng ta tách ra xa mất rồi. Chỉ lấy ví dụ về việc hạn chế xe máy tại các đô thị lớn.

Rõ ràng, việc phát triển xe máy tràn lan kéo theo nhiều hệ lụy như kẹt xe, tắc đường, mất an toàn, ô nhiễm môi trường. Các nước phát triển, ngay cả nước láng giềng với chúng ta như Trung Quốc đã dứt khoát loại bỏ nó.

Nhưng ở ta, đề xuất hạn chế xe máy lưu thông trong đô thị ngay ở bước ý tưởng đã bị ném đá, phán xét đến rầm trời. Rồi các khu công nghiệp, các dự án lớn, kế hoạch phát triển kinh tế… phải đối diện với bao nhiêu ý kiến “chuyên gia”. Những ý kiến, sáng kiến có tính xây dựng thì ít, chống phá, phê phán thì nhiều… Cứ thế này thì bao giờ mới thay đổi được!?

Ðến thành phố Paris hoa lệ, người Việt ai cũng xuýt xoa khi nghe nói: “Ðã hơn 150 năm nay, nội thành Paris không phải sửa chữa hệ thống cống thoát nước, hay giải toả đường sá”.

Nhưng có mấy ai chịu nghe sâu thêm rằng “để làm được nó, Hoàng đế Na-pô-lê-ông Ðệ tam đã phải phá bao khu ổ chuột, bao nhiêu nghĩa trang để gom cả mấy triệu bộ xương xuống hầm mộ, cho một Paris tươi đẹp như hôm nay!?”.

Xin hãy nhớ, phải cách mạng cả trong suy nghĩ của mình, chấp nhận sự thay đổi khi nó mang lại cái kết lâu dài tốt đẹp cho mình.

Ðiều cuối cùng là tâm lý ghét người giàu, người làm kinh doanh. Chúng ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của Khổng giáo nên hay từ xa xưa đã coi thường người làm kinh doanh, xem họ đứng cuối trong các ngành nghề “sỹ, nông, công, thương”.

Thậm chí, nhiều người rất dễ đi đến kết luận “giàu là tham”, “giàu là sai”... Không, hãy nhớ kỹ những người giàu chân chính từ lao động và sức sáng tạo mãnh liệt đang đóng nhiều thuế cho đất nước, họ đã tạo ra nhiều của cải cho xã hội, việc làm nuôi người nghèo.

Họ vắt óc lo lắng, chắt bóp căn cơ để có ngày hôm nay nên họ xứng đáng là những vị anh hùng của thời đại. Họ gánh vác trọng trách đưa đất nước đi lên, đến giàu đẹp hơn trong quá trình hội nhập để sánh vai cường quốc bạn bè.

Tôi đã nghe, người Nhật Bản từng loan truyền cuốn sách: “Người Nhật Bản xấu” để nhìn thẳng vào thực tế khi ra thế giới. Sau đó người Trung Quốc cũng truyền tay nhau cuốn sách “Người Trung Hoa xấu xí” để nhắc nhở mình.

Sẽ không dễ chịu gì với bất kỳ ai khi phải nghe người khác chỉnh sửa những điều không đẹp. Nhưng đó là sự thực mà chúng ta phải mạnh mẽ đối diện.

Những điều cá nhân tôi nêu trên chỉ là phần nhỏ, chưa thể bao trùm hết những cái tổng thể sâu xa. Chỉ mong chúng ta cùng nhìn lại mình, nhận ra những điều còn hạn chế để sửa mình theo hướng tích cực, đưa con tàu Việt Nam vững vàng rẽ sóng tiến lên cùng hội nhập.   

Tin bài liên quan