Một hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến động thị trường

Một hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trước những biến động thị trường

Sức kháng bền của doanh nghiệp phải chuẩn bị từ bây giờ

(ĐTCK) Chủ động trong việc kiểm soát các vấn đề nội tại, trong đó có công tác quản trị sẽ giúp doanh nghiệp “trú bão” an toàn trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới và khu vực.

Tại Hội thảo “Bức tranh kinh tế dành cho doanh nghiệp năm 2017”, nhận định về triển vọng nền kinh tế trong năm 2017, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, từ chủ trương Chính phủ kiến tạo và quốc gia khởi nghiệp,  số lượng doanh nghiệp đăng ký đã đạt mức kỷ lục, trên 100.000 doanh nghiệp vào năm 2016.

Điều này cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường kinh doanh đang trở lại và xu hướng hình thành một quốc gia khởi nghiệp đang bắt đầu.

Mặc dù vậy, trước những xu thế cũng như biến động khó lường của nền kinh tế thế giới, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2017 bao gồm cả hai gam màu tối và sáng. Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, chuyên gia kinh tế, Đại học Quốc gia Singapore, nền kinh tế Mỹ đã có giai đoạn phục hồi khá dài và có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong vòng hai năm tới và sau đó theo quy luật sẽ bước vào giai đoạn suy thoái. “Cú sốc kinh tế Mỹ có thể xảy ra trong vòng 3 - 5 năm tới”, ông Khương nói.

Các doanh nghiệp chú trọng đến yếu tố quan hệ, đến xin – cho, lợi thế khai thác tài nguyên,  mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản trị

- Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

Ở trong nước, theo PGS. Khương, giá dầu thô phục hồi trở lại dù tốt cho ngân sách, nhưng sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát. Nếu lạm phát lên 5%, áp lực lãi vay sẽ tăng lên, vì thế, sức kháng bền của doanh nghiệp phải được chuẩn bị ngay từ bây giờ. Đó là chưa kể, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ hình thành xu hướng kinh doanh mới, buộc doanh nghiệp phải chạy theo nếu không muốn bỏ lại phía sau.

Theo ông Khương, nếu nhìn vào quá khứ, có một sự tương đồng giữa tăng trưởng kinh tế cả năm và tăng trưởng kinh tế quý đầu tiên của năm. Mặc dù mục tiêu Chính phủ đưa ra là tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2017, nhưng nhìn vào thực tế hiện nay, ông Khương cho rằng có thể chỉ đạt từ 5,8 - 6,2%, nếu thiếu những cải cách đột phá về môi trường kinh doanh.

Trong bối cảnh chung đó, các chuyên gia cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực quản trị để có thể “trú bão” an toàn trước những rủi ro biến động của nền kinh tế.

Ông Lộc dẫn ra số liệu Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất, nhưng đồng thời cũng nằm trong 20 nền kinh tế có khả năng quản trị doanh nghiệp kém nhất, tức là khả năng thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp thấp. Doanh nghiệp có khát vọng lớn, nhưng quản trị, sự chuyên nghiệp để có thể thực hiện ý tưởng thì rất thấp.

“Các doanh nghiệp chú trọng đến yếu tố quan hệ, đến xin – cho, lợi thế khai thác tài nguyên,  mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản trị. Việc nâng cao kiến thức quản trị cần được xem như một phong trào bình dân học vụ trong cộng đồng doanh nhân”, Chủ tịch  VCCI nói.

Đồng quan điểm này, ông Khương cho rằng, cạnh tranh trong nền kinh tế ngày càng gay gắt, và sức ép lớn dần đối với các doanh nghiệp không phải từ các công ty đầu ngành, mà từ các nhóm khởi nghiệp, nhóm công ty ngoài ngành với thế mạnh đặc biệt về ý tưởng đột phá, năng lực và công nghệ.

“Chính vì vậy, doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực thông qua việc tăng cường quản trị công ty theo tiêu chuẩn của quốc tế”, ông Khương nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng, doanh nghiệp không nên dựa vào nền kinh tế tăng trưởng để hoạt động, mà phải ý thức tham gia vào đóng góp tăng trưởng cho nền kinh tế chung. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống quản trị tiên tiến, có chiến lược phát triển bền vững. 

Cũng theo ông Dương, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nằm ở vấn đề xây dựng nguồn nhân lực lành nghề, chuyên nghiệp. Trên cơ sở xác định triết lý, chiến lược và phương pháp quản trị, doanh nghiệp tìm nhân lực phù hợp.

Bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Traphaco, doanh nghiệp dược niêm yết có tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức hai con số đã chia sẻ kinh nghiệm đứng vững trước rủi ro biến động của nền kinh tế. Đó là cần phân tích những thách thức, cơ hội từ thị trường và đặc biệt phải nhìn rõ những điểm mạnh và yếu của mình, đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng ngành và tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Tin bài liên quan