Giải pháp khả thi được đưa ra là miễn giảm thuế cho các ngân hàng thương mại.

Giải pháp khả thi được đưa ra là miễn giảm thuế cho các ngân hàng thương mại.

Sức ép hậu "cấp cứu"

(ĐTCK) Đang có thông tin về việc sẽ có đề nghị gia hạn chính sách giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN lên 24 tháng, thay vì khoảng thời gian 6 đến 9 tháng tuỳ đối tượng như hiện nay. Như vậy, sau quyết định của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất 4%/năm với các hợp đồng tín dụng vay vốn thực hiện dự án mới tới 24 tháng, thì nhiều động thái hỗ trợ DN dài hơi hơn đã bắt đầu.

Đặc biệt, với khoản giãn thời gian nộp thuế thu nhập DN, đối tượng được hưởng ưu đãi sẽ là những DN thực sự đang làm ăn có lãi, có tiềm lực và năng lực để phát triển. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những đối tượng cần được hỗ trợ mạnh, vì họ chính là nền tảng để kinh tế Việt Nam bứt phá.

Tuy nhiên, nếu bàn về thời gian các gói hỗ trợ của Chính phủ, có vẻ như yếu tố “dập lửa” vẫn đang được chú trọng nhiều hơn. Nhìn lại gói giải pháp hỗ trợ lãi suất 4%/năm lần một với các hợp đồng tín dụng có thời gian 8 tháng, nhiều DN từ chối vay vì thời gian quá ngắn.

Thực ra, khi được đề nghị bình luận về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, khá nhiều DN cho rằng, cứ có hỗ trợ là DN sẽ “dễ thở” hơn trong bối cảnh hiện nay. Ngay cả gói chính sách “cấp cứu” với thời gian 8 tháng dù bị kêu ca là quá ngắn, song nhiều DN cũng đã tận dụng và cho rằng, chính sự kịp thời của nguồn tiền này đã cứu không ít DN thoát chết. Những hỗ trợ dài hơi hơn vào lúc này sẽ tạo cơ hội để DN hướng tới kế hoạch tái cấu trúc, đón đầu cơ hội sau suy thoái kinh tế.

Vào thời điểm này, đang có băn khoăn về thời điểm 8 tháng sau đó, khi các hợp đồng tín dụng trên đến lúc phải thanh toán. Giả thuyết xấu rằng, sẽ có những DN không đủ sức hoàn trả, DN sẽ rơi vào thế khó khi có tên trong “sổ đen” của ngân hàng. Ngay chính các ngân hàng thương mại cũng bị liên luỵ khi phải gánh thêm những khoản nợ xấu vốn đã khá xấu trong bối cảnh hiện tại.

Cũng từ giả thuyết này mà xuất hiện câu hỏi về hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ 24 tháng cho các dự án mới. Vì thực tế, vào thời điểm này, việc xây dựng một dự án mới sẽ gánh chịu rất nhiều rủi ro, nhất là rủi ro khách quan do biến động thị trường. Khoảng thời gian khống chế của nguồn tín dụng hỗ trợ có thể là áp lực cho các kế hoạch đầu tư mới của DN.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, các giải pháp hướng tới DN nên thay đổi tiêu chí, từ có thời hạn, có đối tượng sang một tiêu chí là hiệu quả. “Chỉ cần đánh giá dự án hiệu quả thì sẽ được tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ lãi suất không giới hạn thời gian. Vì thời gian đầu tư của các DN, các dự án khác nhau rất khác nhau. Một dự án sản xuất có thể chỉ cần vài tháng, nhưng một dự án đổi mới công nghệ có thể mất vài năm”, ông Thành nói.

Như vậy, bài toán sẽ còn lại một câu hỏi là hiệu quả của các dự án, kế hoạch đầu tư của các DN. Gánh nặng đè lên vai các ngân hàng thương mại khi phải gánh các hoạt động phục vụ chính sách và cả hoạt động kinh doanh. Trong những giả thuyết xấu trên, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Mặc dù theo phân tích, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát và các ngân hàng đang có nhiều biện pháp ngăn ngừa và xử lý khoản nợ này, song giới chuyên gia đề nghị có thêm các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có năng lực tài chính ổn định, tạo điều kiện phát triển hệ thống tài chính - tiền tệ.

Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nếu như không dọn dẹp nợ xấu và tái đầu tư cho các ngân hàng thì các gói kích thích kinh tế sẽ không thể tạo ra bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Giải pháp khả thi được đưa ra là miễn giảm thuế cho các ngân hàng thương mại, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động vốn vẫn phải cao để đảm bảo có nguồn cho vay theo chương trình kích cầu của Chính phủ, trong khi lãi suất cho vay phải thấp, thu nhập từ chênh lệch lãi suất rất thấp.