Sửa Luật thuế: Tránh đẩy khó cho doanh nghiệp

Sửa Luật thuế: Tránh đẩy khó cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Ghi nhận dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có nhiều bước tiến, song quá trình thẩm tra dự án luật này của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (viết tắt là Ủy ban) cho thấy, vẫn còn những nội dung dễ cho cán bộ và cơ quan thuế, khó cho người nộp thuế.

“Làm nhẹ” trách nhiệm của cán bộ thuế

Trong chương trình làm việc cuối tuần qua, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra dự án này.

Theo đó, bên cạnh ghi nhận một số cải cách tích cực, kết quả thẩm tra dự án luật cho thấy nhiều nội dung “làm nhẹ” trách nhiệm của cán bộ, cơ quan thuế, trong khi vẫn khó cho người nộp thuế.

Theo Ủy ban, dự thảo Luật đã bỏ quy định “về xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với cơ quan quản lý thuế” (Điều 112) và “xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với công chức quản lý thuế” (Điều 113) trong Luật hiện hành.

Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ không làm rõ lý do bỏ các quy định này, trong khi vẫn giữ quy định “về hành vi vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân có liên quan” (Điều 146 của dự thảo). Điều này là chưa đảm bảo tính công bằng trong xử lý vi phạm về thuế giữa các đối tượng...

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, nhưng dự thảo có khoảng 1/4 số điều (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết. Có khoảng 15 điều trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết, nay tại dự thảo Luật lại bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi tờ trình của Chính phủ không giải thích lý do.   

Liên quan đến quy định về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt.

Có ý kiến khác đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế...

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc ấn định thuế, dự thảo chỉ nêu trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc ấn định số thuế lớn hơn số thuế phải nộp, thì cơ quan quản lý thuế phải hoàn lại số tiền nộp thuế thừa và bồi thường thiệt hại, song chưa quy định trường hợp số thuế ấn định nhỏ hơn số thuế phải nộp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần bổ sung trường hợp này trong dự thảo.

Một nội dung khác của dự thảo Luật, theo nhìn nhận của đại biểu Quốc hội là chưa hợp lý. Đó là quy định trường hợp quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế về thực hiện nghĩa vụ thuế phải nộp, hoàn thuế của người nộp thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước, kết luận của cơ quan thanh tra nhà nước, thì thực hiện theo quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế, đồng thời cơ quan quản lý thuế báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định…

Đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị bỏ các quy định này vì cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa phù hợp với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Thanh tra; chưa bao quát hết các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quản lý thuế (cơ quan điều tra, kiểm tra Đảng…); các cơ quan không cùng hệ thống hành pháp, song lại quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định khi có sự khác nhau với cơ quan hành pháp là không đúng với các nguyên tắc tổ chức Nhà nước và không phù hợp về thẩm quyền quyết định.

Có ý kiến đề nghị quy định theo hướng, trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan kiểm toán nhà nước thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; trường hợp khác nhau giữa cơ quan quản lý thuế với cơ quan thanh tra và các cơ quan khác thì Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định... 

Khó cho doanh nghiệp

Cùng với lưu ý cần xem xét lại các quy định “làm dễ” cho cán bộ và cơ quan thuế, ý kiến từ đại biểu Quốc hội còn đề xuất Chính phủ cần khắc phục tình trạng “làm khó” cho người nộp thuế bằng việc điều chỉnh nhiều nội dung chưa hợp lý.

Theo đó, liên quan đến quy định về quyền của người nộp thuế, ông Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định quyền của người nộp thuế được nhận biên bản của cơ quan kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền khi kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ thuế của người nộp thuế khi thanh tra, kiểm toán công tác quản lý thu ngân sách nhà nước của cơ quan quản lý thuế.

“Về thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm đối với công ty có giao dịch liên kết, việc quy định nộp tờ khai giao dịch liên kết cùng với báo cáo quyết toán thuế năm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm Dương lịch hoặc năm tài chính là chưa phù hợp với thực tế và không khả thi. Do vậy, đề nghị cần bổ sung trong dự thảo Luật theo hướng căn cứ vào thời hiệu báo cáo của công ty giao dịch liên kết…”, ông Hải nói.

Theo chương trình làm việc ngày hôm nay (12/11), các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi. 

Tin bài liên quan