Nhu cầu thấp của xã hội khiến DN e ngại đầu tư phát triển sản xuất

Nhu cầu thấp của xã hội khiến DN e ngại đầu tư phát triển sản xuất

Sợ thất bại, người Việt không muốn làm ông chủ

(ĐTCK) Mặc dù còn gây tranh luận về tính chính xác của các chỉ số trong quá trình điều tra, song kết quả nghiên cứu về Báo cáo chỉ số kinh doanh Việt Nam 2013 (GEM Việt Nam 2013) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã cho thấy những con số và phát hiện rất đáng quan tâm về điều kiện và môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2013.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, trong 12 chỉ số được sử dụng để đo lường về điều kiện kinh doanh ở Việt Nam thì có tới 9 chỉ số được đánh giá dưới mức trung bình. Trong đó, có những chỉ số tạo tiền đề cơ bản cho kinh doanh như tài chính cho kinh doanh, cơ sở hạ tầng dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông đều xếp ở vị trí rất thấp.

Lý giải về nguyên nhân của kết quả đánh giá đối với chỉ số giáo dục về kinh doanh, TS. Lương Minh Huân, Viện Phát triển DN (VCCI), Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là hệ quả của thực trạng giảng dạy về kinh doanh ở các bậc phổ thông và sau phổ thông của Việt Nam đang tụt hậu nhiều so với thế giới.

“Các kỹ năng để trở thành doanh nhân hay lao động bậc cao trong nền kinh tế thị trường hiện đại như khả năng nhận thức, tư duy, tính sáng tạo, độc lập… hầu như không được khuyến khích phát triển ở cả bậc giáo dục phổ thông lẫn đại học”, ông Huân nhấn mạnh.

Các chỉ số về điều kiện kinh doanh thuộc nhóm dịch vụ hỗ trợ kinh doanh hay còn được coi là cơ sở hạ tầng thương mại cũng không có xếp hạng khả dĩ hơn. Theo ông Huân, các dịch vụ như tư vấn, pháp lý, kế toán, kiểm toán ở Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của nền kinh tế, do đó không hỗ trợ được nhiều cho phát triển kinh doanh. Điều này cũng giải thích lý do tại sao hầu hết DN Việt Nam không tự nguyện sử dụng các dịch vụ này để giúp cải thiện và nâng cao hiệu quả kinh doanh, mà chỉ sử dụng trong các trường hợp bắt buộc. Do đó, cùng với nhóm chỉ số về cơ sở hạ tầng cũng không được đánh giá cao hơn, đây là các điều kiện được coi là rào cản ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. 

Một phát hiện cũng rất đáng chú ý mà báo cáo GEM Việt Nam 2013 đưa ra là chỉ số lo sợ thất bại và lo ngại rủi ro trong kinh doanh của người Việt Nam cao ở mức đáng lo ngại với con số 56,7%. Tỷ lệ này theo đánh giá của nhóm nghiên cứu là cao hơn mức trung bình của các nước phát triển ở giai đoạn 3, trong khi Việt Nam mới chỉ là nước phát triển ở giai đoạn 1. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá, là do tâm lý lo lắng của người dân đã tăng đáng kể sau khi nền kinh tế Việt Nam suy giảm tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010 - 2013, kéo theo sự phá sản hàng loạt của các DN.

“Trong điều kiện kinh tế suy giảm tốc độ tăng trưởng, lạm phát cao, hầu hết các DN đều gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất sụt giảm khiến đầu ra bị thu hẹp, tình trạng tồn kho, nợ xấu trở thành hai “cục máu đông” khiến nhiều DN phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Điều này lý giải nguyên nhân tại sao ngày càng có nhiều người lo sợ rủi ro khi bắt tay vào kinh doanh, mặc dù bối cảnh kinh tế đã có những chuyển biến tích cực”, ông Huân cho biết.

Cũng theo logic này, theo kết quả điều tra của báo cáo GEM Việt Nam 2013, tỷ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới tại Việt Nam đứng ở mức khá thấp, xấp xỉ 24,1%, chỉ gần bằng mức trung bình của các nước phát triển giai đoạn 2 và kém xa so với mức trung bình ở các nước của các nước có cùng trình độ phát triển ở giai đoạn đầu với mức trung bình là gần 48%.

Để minh chứng cho nhận định này, báo cáo đã chỉ ra rằng, trong năm 2013, cứ trong 100 người trưởng thành được hỏi thì chỉ có 4 người dự  định thực hiện khởi sự kinh doanh. Và mặc dù chưa có số liệu thống kê về hoạt động kinh doanh của khu vực kinh doanh cá thể, song theo khuyến cáo của ông Huân, với số liệu thống kê về tình hình hoạt động của các DN gần đây có thể thấy rằng, vẫn có nhiều DN phải giải thể trong khi các cơ hội kinh doanh mới giảm sút.

“Chính những yếu tố này đã làm giảm lòng tin và tăng sự lo sợ thất bại khi kinh doanh và khiến tỷ lệ người có ý định khởi sự kinh doanh thời gian tới rất thấp. Điều này cho thấy những dấu hiệu khó khăn của việc kinh doanh tại Việt Nam vẫn tồn tại và rất cần có những chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời”, ông Huân khuyến nghị.

Tin bài liên quan