Siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước lộ rõ hình hài

Siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước lộ rõ hình hài

(ĐTCK) Dự thảo mới nhất Nghị định quy định về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với những quy định tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu đã giải quyết cơ bản những vấn đề còn lấn cấn từ trước tới nay xung quanh câu chuyện hiệu quả hoạt động, cơ chế giám sát của ủy ban đặc biệt này.

Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cơ quan trực tiếp xây dựng và soạn thảo Nghị định cho biết, tiếp thu ý kiến thẩm định và các ý kiến đóng góp về việc cần phải làm rõ đối tượng quản lý của Ủy ban, Điều 1 của dự thảo Nghị định mới nhất đã bổ sung quy định về danh sách doanh nghiệp giao Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu gồm 20 tập đoàn, tổng công ty bao gồm Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty hiện đang trực thuộc quản lý của các bộ chuyên ngành.

Tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước của 20 doanh nghiệp dự kiến chuyển giao về Ủy ban ước đạt 821.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản trên 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài của của khu vực doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ủy ban vừa là cơ quan thuộc Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, vừa là cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp.

Theo đó, Ủy ban đảm nhiệm hai nhóm nhiệm vụ và quyền hạn được quy định tại hai văn bản luật này; trong đó, có nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ thực hiện các quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, đồng thời trực tiếp thực hiện các quyền và trách nhiệm đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Một vấn đề có nhiều ý kiến băn khoăn từ trước tới nay là với cơ cấu tổ chức quản lý theo ngành dọc của Ủy ban với từng ngành, lĩnh vực thì mối quan hệ giữa Ủy ban với các bộ và cơ quan ngang bộ rất có thể lại dẫn tới tình trạng chồng chéo nhiều tầng nấc quản lý.

Để giải quyết lấn cấn này, đại diện CIEM cho biết, dự thảo Nghị định mới được thiết kế theo nguyên tắc Uỷ ban chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của một cơ quan đại diện chủ sở hữu theo đúng quy định tại Luật số 69/2014/QH13, còn các bộ quản lý ngành tiếp tục chủ trì các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực được phân công.

Theo đó, Ủy ban có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu xây dựng và thực hiện đầy đủ các chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược hoặc quy hoạch phát triển ngành.

Bên cạnh đó, Ủy ban chủ trì phối hợp lấy ý kiến các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, đồng thời chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đề án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước thời điểm chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban.

Về thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp sau khi chuyển về Ủy ban, vẫn thực hiện theo quy định pháp luật với các lĩnh vực chuyên ngành như điện lực, khoáng sản, viễn thông, dầu khí, hàng không dân dụng, công nghệ thông tin, thủy sản, đường sắt, hàng hải, thủy lợi…, nghĩa là vẫn do các bộ và cơ quan ngang bộ đảm nhiệm.

“Việc quy định như vậy sẽ giúp tách bạch rõ ràng những nội dung thuộc chức năng chủ sở hữu do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện và chức năng quản lý nhà nước vẫn do bộ quản lý ngành thực hiện, tránh sự chồng chéo nhiều tầng quản lý ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp”, đại diện CIEM khẳng định.

Liên quan nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban về quản lý tài chính, dự thảo mới quy định về cơ chế tài chính, chế độ, tiêu chuẩn định mức chi ngân sách của Ủy ban trong lĩnh vực được giao gắn với yêu cầu hiệu quả công việc.

Lý giải về việc gắn yêu cầu hiệu quả công việc của ủy ban, đại diện Ban soạn thảo Nghị định, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, quy định này hoàn toàn không trái với quy định hiện hành.

“Ủy ban là cơ quan nhà nước, nhưng có nhiệm vụ chủ yếu là quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, vì vậy, bên cạnh việc tuân thủ quy định hiện hành về quản lý tài chính của một cơ quan nhà nước thì hiệu quả kinh tế nói chung, hiệu quả vốn nhà nước do Ủy ban quản lý nói riêng là yếu tố quan trọng trong việc xem xét, xây dựng thể chế cho hoạt động của Ủy ban”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan