Siết kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, xóa cơ chế “xin - cho“

Các bộ, ngành, địa phương đã bắt đầu xây dựng Dự toán năm 2019. Theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, vì vậy, kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách phải được thực hiện nghiêm minh ở tất cả các cấp, các ngành.

Có ý kiến cho rằng, xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) chưa bao quát hết nguồn thu, còn chi thì năm nào cũng vượt dự toán. Quan điểm của ông ra sao?

Khi xây dựng dự toán thu ngân sách nội địa năm sau, cơ quan thuế luôn cố gắng giao thu sát thực tế, theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách của năm xây dựng dự toán; đồng thời phân tích, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, đặc biệt là những nhân tố tác động làm thay đổi tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm sau.

Siết kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, xóa cơ chế “xin - cho“ ảnh 1

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước. 

Tuy nhiên, do dự toán năm sau bắt đầu được xây dựng từ tháng 7 năm trước để kịp trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp cuối năm (cuối tháng 10), nên tất cả số liệu đưa ra để xác định số thu năm sau chỉ là dự kiến, ước tính, khó có thể chính xác tuyệt đối, nhưng tổng thể NSNN được xây dựng tương đối sát.

Nhưng NSNN năm nào cũng thu vượt dự toán thì không thể nói là xây dựng dự toán tương đối sát?

Đúng là năm nào NSNN cũng vượt thu. Đơn cử, năm 2016 dự toán thu 1.014.500 tỷ đồng, vừa được Quốc hội thông qua quyết toán 1.107.381 tỷ đồng, vượt thu 92.881 tỷ đồng; năm 2017, dự toán 1.212.180 tỷ đồng, thu ước đạt 1.288.660 tỷ đồng, vượt thu 76.480 tỷ đồng.

Số tăng thu vượt dự toán một phần nhờ hoạt động sản xuất - kinh doanh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cơ quan quản lý thuế quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế; truy thu qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chống trốn thuế, gian lận thuế, chuyển giá... nhưng số tăng thu chủ yếu từ đất đai (thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất), dầu thô và một phần từ hoạt động xuất - nhập khẩu do kim ngạch xuất - nhập tăng cao hơn mục tiêu đặt ra rất nhiều.

Tóm lại, nếu trừ các khoản thu mang yếu tố khách quan, phụ thuộc vào thị trường, thì số thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tương đối sát dự toán.

Thực tế có địa phương tăng thu rất cao, ngược lại có địa phương hụt thu. Địa phương tăng thu có phải do giao dự toán chưa sát thực tế, bỏ sót nguồn thu, địa phương hụt thu là do chưa quyết liệt trong công tác quản lý thuế?

Như tôi đã nói, dự toán ngân sách năm sau bắt đầu được xây dựng từ tháng 7 đến tháng 10 năm trước, nên khi xây dựng dự toán chưa lường trước được các khả năng xảy ra.

Lường trước khả năng xảy ra là điều rất khó vì hoạt động sản xuất, kinh doanh còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường thế giới và sự điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - điều này nằm ngoài khả năng của cơ quan xây dựng dự toán.

Đơn cử, khi xây dựng dự toán rất khó lường trước được sẽ có thêm bao nhiêu cơ sở kinh doanh mới đi vào hoạt động, có bao nhiêu cơ sở kinh doanh năm trước hoạt động cầm chừng, nhưng năm sau hoạt động mạnh trở lại. Ngược lại, một số doanh nghiệp đóng góp số thu lớn cho ngân sách năm nay hoạt động rất tốt, năm sau thì rất khó khăn.

Đó là chưa kể, sau khi dự toán NSNN đã hoàn thiện, thậm chí đã trình Quốc hội thì một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền Trung gặp thiên tai, bão lũ thì ngay lập tức nhiều tính toán về số thu đã không còn chính xác.

Về chi ngân sách, thưa ông, vì sao vẫn còn tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương chi vượt dự toán, trong khi theo Luật Ngân sách nhà nước, thì mọi khoản chi chỉ được thực hiện khi có trong dự toán?

Không chỉ ở Việt Nam, mà tình trạng chi vượt dự toán, thu không đủ chi (bội chi) là bài toán nan giải với nhiều nước trên thế giới. Nguyên nhân là do nhu cầu chi tiêu, đặc biệt là chi đầu tư phát triển thực tế bao giờ cũng lớn hơn so với con số được giao (dự toán).

Còn đối với chi tiêu thường xuyên, chi tiêu cho bộ máy quản lý hành chính nhà nước, về cơ bản chi đúng dự toán, tất nhiên vẫn có tình trạng nơi này, nơi kia chi vượt, chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn, mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí...

Tuy nhiên, so với tổng chi thường xuyên thì các khoản chi này không nhiều (năm 2016 chỉ có 211,6 tỷ đồng) và đều được Kho bạc Nhà nước kiểm soát chặt chẽ, Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và kiến nghị thu hồi về cho NSNN.

Trong những năm gần đây, hầu như năm nào cũng tăng lương cơ sở, để hạn chế tăng chi thường xuyên do tăng lương cơ sở, năm nào Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, ngành trên cơ sở dự toán được giao phải tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn thu sự nghiệp để tạo nguồn cải cách tiền lương. Các địa phương phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên tạo nguồn cải cách tiền lương. Về cơ bản, các cơ quan sử dụng NSNN thực hiện đúng yêu cầu này.

Quan điểm khi xây dựng dự toán NSNN năm 2019 là gì, thưa ông?

Quan điểm xây dựng Dự toán NSNN năm 2019 là cơ cấu lại ngân sách và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợp lý các nguồn lực.

Thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; xác định tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách, sử dụng vốn vay và xử lý nợ công, hạn chế và tiến tới xoá bỏ cơ chế "xin - cho".

Tin bài liên quan