Sẽ không còn những ông chủ giả của doanh nghiệp nhà nước

Những “ông chủ giả” của doanh nghiệp nhà nước - như chính nhiều vị chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước tự nhận - đang bước vào giai đoạn không thể không làm thật.

Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước vừa được ban hành đã yêu cầu thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức.

Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp.

Sẽ không còn những ông chủ giả của doanh nghiệp nhà nước ảnh 1

Nghị quyết số 12-NQ/TW cũng yêu cầu hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và vốn, tài sản của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Chậm nhất đến năm 2018, thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp.                     

Đặc biệt, quan hệ kinh tế, tài chính giữa Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, nhất là các quyền và nghĩa vụ phải được thực hiện đầy đủ, minh bạch theo quy định của pháp luật, phù hợp với cơ chế thị trường. Các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho doanh nghiệp nhà nước, đối xử bất bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực nhà nước, tín dụng, đất đai, tài nguyên, cơ hội đầu tư, kinh doanh, tài chính, thuế… được Nghị quyết số 12-NQ/TW yêu cầu xóa bỏ.

Như vậy, những người trở thành doanh nhân… bằng tiền của Nhà nước sẽ không thể cứ ấm chỗ mãi với tâm lý bảo toàn được vốn là hoàn thành nhiệm vụ.

Họ có thể phải rất nỗ lực mới trở thành người quản lý làm thuê, khi yêu cầu cổ phần hóa được đẩy rất mạnh; hoặc trở thành nhà quản lý với những tiêu chí kinh doanh áp đặt từ thị trường, chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp.

Đặc biệt, trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn nhà nước sẽ rất nặng nề khi doanh nghiệp nhà nước được xác định rất rõ là chỉ tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Đương nhiên, họ sẽ được hưởng những mức lương, những lợi ích tương đương với thành quả thực sự họ, chấm dứt những cách nhìn không sòng phẳng khi soi vào tiền lương của những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Nhưng, kỷ luật mà họ phải chấp hành trên vị trí người quản lý doanh nghiệp sẽ không chỉ từ thị trường, mà còn từ yêu cầu cao hơn trong quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Thậm chí, với yêu cầu thiết lập các hệ thống quản trị, kiểm soát nội bộ có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích, những vị trí quản lý doanh nghiệp nhà nước sẽ trở thành những chiếc ghế nóng, không phải ai cũng đủ dũng cảm để ngồi vào.

Hoàn toàn có thể kỳ vọng, doanh nghiệp nhà nước sẽ thay đổi mạnh mẽ từ chính những người đứng đầu.

Tin bài liên quan