Sẽ có “kim chỉ nam” mới cho kinh tế tập thể

Theo TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khóa IX (Nghị quyết số 13/NQ-TW) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. “Đây là kim chỉ nam để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã (HTX) giữ vai trò chủ đạo trong thời gian tới”, ông Chí nhận định.
TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

TS. Phùng Quốc Chí, Phó cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông có cho rằng, kinh tế tập thể nói chung, HTX nói riêng đang phát triển đúng hướng qua 6 năm triển khai Luật HTX năm 2012?

Kinh tế tập thể được xác định là thành phần kinh tế quan trọng, cùng kinh tế nhà nước, dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Cương lĩnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới. Chính vì vậy, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến kinh tế tập thể thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển thành phần kinh tế này.

Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về kinh tế tập thể đã tương đối đồng bộ (giai đoạn 2013-2018, Chính phủ đã ban hành 29 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 quyết định và 3 chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành 35 thông tư, 19 quyết định, 4 chỉ thị và nhiều văn bản), tạo nền tảng để khu vực kinh tế này phát triển.

Năm 2018, cả nước có 22.860 HTX, năm 2019 sẽ có 23.800 HTX và mục tiêu đặt ra cho năm 2020 là có 25.600 HTX. Báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Chính phủ cho biết, 55% số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, 57% số HTX phi nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận về kinh tế tập thể, thành phần kinh tế này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn, thưa ông?

Kết luận của Bộ Chính trị sẽ đặt ra nhiều yêu cầu để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phát triển kinh tế tập thể, từ việc nâng cao nhận thức, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước…, đến tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể.

Đây là kim chỉ nam để cả hệ thống chính trị vào cuộc phát triển kinh tế tập thể. Chỉ riêng nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ phải bổ sung các chính sách ưu đãi hỗ trợ thích hợp; xây dựng và công bố “Sách trắng về HTX” hàng năm; xây dựng chính sách đặc thù cho từng loại hình kinh tế tập thể ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau; xây dựng thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ và bố trí ngân sách để triển khai thực hiện; hàng năm, Quốc hội, Chính phủ phải bố trí ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển HTX...

Sau khi Bộ Chính trị có kết luận, Chính phủ sẽ đặt ra kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phải bám sát vào kế hoạch.

Dự kiến kế hoạch đặt ra thế nào?

Đến năm 2025, cả nước có khoảng 30.000 HTX, thu hút khoảng 8 triệu thành viên, 70% số HTX hoạt động hiệu quả, phấn đấu tối thiểu 50% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp. Đến năm 2030 đạt 35.000 HTX, thu hút khoảng 9 triệu thành viên, 80% số HTX hoạt động hiệu quả, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và HTX, phấn đấu tối thiểu 70% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp.

Mục tiêu đặt ra là như vậy, nhưng thưa ông, trên thực tế, hiện chỉ có 55 - 56% số HTX hoạt động hiệu quả?

Số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả chưa đến 50%, vì thế tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả đạt 55-56% không phải là thấp. Doanh nghiệp khi thành lập chưa có thị trường, chưa có đầu ra, vốn liếng đa phần đi vay và phải cạnh tranh khốc liệt, nên tỷ lệ phá sản rất cao. Trong khi đó, trước khi thành lập, HTX đã có thị trường, đó chính là thành viên HTX, vốn điều lệ do thành viên đóng góp, người lao động cũng chính là thành viên, nên hiệu quả hoạt động của kinh tế hợp tác rất cao.

Thực tế cho thấy, hầu hết HTX thành lập mới và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đều hoạt động hiệu quả, tỷ lệ 55 - 56% số HTX hoạt động hiệu quả hiện nay có nguyên nhân chính là vẫn còn một số lượng không nhỏ số HTX trước đây hoạt động không đúng bản chất, kém hiệu quả, thậm chí chỉ tồn tại trên giấy tờ, nhưng chưa giải thể, phá sản được. Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, các địa phương sẽ “dọn dẹp” số HTX này, nên tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả chắc chắn sẽ đạt 70 - 80% vào năm 2025 như mục tiêu đặt ra.

Không thể phủ nhận HTX vẫn là thành phần yếu thế trong xã hội. Kinh tế nước ta đã và đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, thì “thành phần yếu thế” này làm sao cạnh tranh nổi, thưa ông?

Kinh tế tập thể không thể đứng ngoài sân chơi toàn cầu. Chính vì vậy, muốn cạnh tranh được, HTX phải liên kết với nhau và phải liên kết với doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, các HTX đã liên minh với nhau và liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa, hạ giá thành sản phẩm. Để phát triển khu vực kinh tế này, mục tiêu đặt ra đến năm 2025 có tối thiểu 50% số HTX liên kết với doanh nghiệp và tỷ lệ này năm 2030 phải đạt tối thiểu 70%.

Một trong những điểm yếu nhất của HTX là trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý rất thấp, hiện mới có 18% người có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lệ. Thời gian tới, phải tập trung đào tạo, thu hút người có trình độ vào làm việc cho khu vực kinh tế này, với mục tiêu đến năm 2025 có tối thiểu 20% đội ngũ quản lý của HTX có trình độ từ cao đẳng trở lên và đến năm 2030, tỷ lệ này phải đạt tối thiểu 25%.

Tin bài liên quan