Sau con số tăng trưởng GDP 7,08% là gì?

Sau con số tăng trưởng GDP 7,08% là gì?

(ĐTCK) Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ước tính đạt 7,08%, mức cao nhất giai đoạn 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Tuy nhiên, việc duy trì tốc độ phát triển trong nửa cuối năm là vấn đề cần quan tâm, bởi nền kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

3 điểm sáng của nền kinh tế nửa đầu năm được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chỉ ra là khu vực nông lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, khi đều đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, góp phần đáng kể vào đà tăng chung của nền kinh tế.

Cụ thể, ngành công nghiệp đạt mức tăng 9,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có đóng góp lớn, tăng trưởng 13,02% - mức cao nhất trong 7 năm gần đây. Trong khi đó, công nghiệp khai khoáng tuy vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), nhưng đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được đà tăng trưởng khá với tốc độ 7,93%.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,9%, là mức cao nhất 7 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ lưu trú và ăn uống; ngành vận tải, kho bãi; hoạt động kinh doanh bất động sản…

Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê dẫn báo cáo của Nikkei cho thấy, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã thể hiện dấu hiệu tích cực của nền kinh tế. Cụ thể, tâm lý kinh doanh rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng từ 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 điểm trong tháng 5. Đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến được hưởng lợi từ việc Việt Nam đã tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Theo Nikkei, tính đến tháng 5, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục với tốc độ tăng mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng.

“Kết quả này báo hiệu sự ổn định và cải thiện mạnh mẽ "sức khỏe" của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018”, ông Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nền kinh tế sẽ phải đối mặt với một số thách thức trong 6 tháng cuối năm bởi một số yếu tố không thuận lợi cả về chủ quan và khách quan. Trước hết, đó là xu hướng tăng trưởng GDP quý sau thấp hơn quý trước đã được dự báo từ sớm.

“Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay không theo quy luật quý sau cao hơn quý trước như các năm trước đây, mà theo hướng thấp dần trong các quý tiếp theo. Xu hướng này đã thể hiện rất rõ ở đà tăng đang giảm từ mức 7,45% quý I, xuống 6,79% của quý II do ngành công nghiệp tăng chậm lại”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê phân tích.

Cũng theo ông Thúy, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 2 quý đầu năm, song theo dự báo của Samsung, mức độ tăng trưởng nửa cuối năm sẽ không cao như năm ngoái nên khó có thể đóng góp giúp GDP tăng cao như cùng kỳ năm 2017.

Chưa kể, Tổng cục Thống kê dự báo, 6 tháng cuối năm 2018, sản xuất công nghiệp sẽ tăng chậm hơn 6 tháng đầu năm, nguyên nhân chủ yếu do Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than khoáng sản đặt kế hoạch giảm khai thác nửa cuối năm khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Bên cạnh đó, ngành chế biến, chế tạo cũng sẽ tăng chậm lại do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học giảm bước tiến so với 6 tháng đầu năm.

Một yếu tố bất thuận nữa mà nền kinh tế sẽ phải đổi mặt trong 2 quý cuối năm là lạm phát. Hiện tại, lạm phát đang trong tầm kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao do từ ngày 1/7/2018 sẽ tăng lương tối thiểu, ảnh hưởng đến khu vực sử dụng nhiều nhân công và tăng giá dịch vụ giáo dục vào tháng 9/2018. Ngoài ra, vấn đề tín dụng và giải ngân vốn đầu tư chậm so với kế hoạch cũng gây rủi ro, khi mới đạt 36% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ một số năm.

Liên quan đến cân bằng cán cân thương mại, tuy 6 tháng đầu năm thặng dư 2 tỷ USD song Việt Nam đã nhập siêu 2 tháng liên tiếp gần đây, trong đó chủ yếu là thâm hụt từ các nước có ký hiệp định thương mại tự do. Tổng cục Thống kê cảnh báo, cần theo dõi sát sao một số yếu tố tác động đến tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới như giá xuất, nhập khẩu hàng hóa phụ thuộc vào giá thế giới, việc áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước và chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.          

Tin bài liên quan