Sắp “gỡ” được hàng chục điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật

Sắp “gỡ” được hàng chục điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật

Nếu đề xuất chỉ ban hành 1 nghị định, 1 thông tư về một lĩnh vực, một vấn đề hoặc nhóm vấn đề được chấp thuận, thì ngay lập tức, 25 điểm chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật hay 37 vấn đề cần phải sửa của 10 luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, nhà ở, môi trường... do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra cùng nhiều khúc mắc về pháp luật khác sẽ được gỡ.

Có thể hình dung thêm, khi những vấn đề này được đặt lên bàn, khi các bộ, ngành ngồi cùng nhau, bàn rất kỹ nội dung và cả công cụ quản lý nhà nước được áp dụng, thì dù muốn hay không, tư duy “bộ tôi, bộ anh” sẽ bị thu hẹp đáng kể. 

Tương tự, khi các nội dung kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành cùng hướng dẫn, thay vì phân mảnh theo ngành nông nghiệp, công thương, y tế, xây dựng... như hiện tại, thì sẽ không thể tồn tại hiện trạng một doanh nghiệp hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động phải xin phép 10 bộ, ngành, thay vì một đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như trước đây.

Lý do là bộ nào cũng yêu cầu doanh nghiệp phải học để nhận chứng chỉ tại đơn vị đào trong trong ngành của mình, không thừa nhận kết quả của nhau...

Nhưng đó là sự giả dụ với từ “nếu”. Còn hiện tại, ngay khi đề xuất trên được đưa ra, đã có những quan ngại, lo khó từ phía công chức một số bộ, ngành. Họ lo không đủ công cụ để hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

Phải thừa nhận, nỗi lo này hoàn toàn đúng khi đứng tách biệt từng bộ, ngành. Hệ quả là các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nghị định mà các bộ xây dựng luôn có xu hướng đặt yêu cầu quản lý nhà nước trong phạm vi chức năng của bộ lên cao, bất chấp chi phí tuân thủ của cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp là bao nhiêu. Hơn 400 văn bản đang quy định về kiểm tra chuyên ngành với ma trận thủ tục là một ví dụ điển hỉnh.

Tư duy này cũng đang khiến yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không thực sự thực chất. Nhiều điều kiện kinh doanh có trong danh mục cắt bỏ mà các bộ báo cáo, trên thực tế không tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, không làm giảm chi phí tuân thủ do cắt các điều kiện vốn được quy định ở các văn bản trong các lĩnh vực, ngành khác hay cắt giảm câu chữ, số lượng. Thậm chí, tư duy cài cắm quy định, điều kiện để thể hiện rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành thể hiện rất rõ.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp luôn ở thế rủi ro do không thể có câu trả lời đúng về quy trình, thủ tục, hồ sơ mà họ phải tuân thủ. Đương nhiên, doanh nghiệp sẽ không thể cảm nhận được các nỗ lực, quyết tâm cải cách môi trường kinhdoanh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mọi việc đã đến lúc cần được thay đổi, dù khó, nhưng đó là đòi hỏi của sự phát triển.

Tin bài liên quan