Sáng nay, khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017

(ĐTCK) Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 sẽ khai mạc sáng nay (16/6) với chủ đề: “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới”. 
Sáng nay, khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017

Một trong những nội dung chính được Diễn đàn tập trung thảo luận là tìm kiếm những giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) liên kết với doanh nghiệp nước ngoài (FDI), tham gia chuỗi sản xuất khu vực và thế giới, tiến tới xoá bỏ ranh giới quốc gia trong sản xuất.

Nhiều số liệu công bố được đưa ra tại cuộc họp báo về VBF 2017 diễn ra chiều 15/5 tại Hà Nội cho thấy, sự tham gia còn hạn hẹp của các doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi sản xuất quốc tế.

Theo đại diện Liên minh VBF 2017, số liệu báo cáo của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) công bố gần đây cho thấy, hiện mới có 21% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Con số này thấp hơn nhiều so với các quốc gia lân cận, thậm chí chưa bằng một nửa so với Malaysia.

Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tỷ trọng giá trị gia tăng trong lĩnh vực chế biến chế tạo của khu vực đầu tư nước ngoài trong tổng xuất khẩu của Việt Nam hiện chiếm khoảng 48,8%. Trong khi đó, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa trong xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 12,7%.

Thực tế này cho thấy sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị và cung ứng toàn cầu vẫn ở giai đoạn đầu vẫn còn khá hạn hẹp, chủ yếu tập trung vào các khâu thô sơ có giá trị gia tăng thấp như gia công và lắp ráp để tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ.

Trong khi đó, ở những khâu sáng tạo cần nhiều hàm lượng chất xám và mang lại giá trị gia tăng cao thì sự tham gia vẫn còn rất hạn chế.

Vì vậy, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan đồng chủ trì VBF 2017, việc thiết kế lại chuỗi toàn cầu để các doanh nghiệp xuyên quốc gia và các DNNVV kết nối với nhau cần phải được đặt ra lúc này, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Ông Hirohihe Sagara, đại diện Liên mình Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF cũng cho rằng, việc xây dựng mối liên kết với các doanh nghiệp địa phương là một trong những chiến lược quan trọng của các doanh nghiệp FDI đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Đây luôn là vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp Nhật luôn bày tỏ mong muốn được tháo gỡ trong báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản được Tổ chức Xúc tiến thương mại (JETRO) Nhật Bản công bố hàng năm.

Đại diện cho nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI cho biết, sau VBF lần này dự kiến sẽ tiếp tục có những các cuộc gặp và làm việc trực tiếp với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt là doanh nghiệp Nhật Bản để nghiên cứu, thảo luận những vấn đề cụ thể, tiến tới thử nghiệm triển khai, đề xuất giải pháp nhằm hình thành chuỗi sản xuất ngành hàng cụ thể.

Đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cùng hợp tác phát triển.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện VCCI cho biết, trong VBF 2016, có 127 kiến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nêu ra trong VBF và đã có 50% số kiến nghị đã được Chính phủ giải đáp thoả đáng. Dự kiến trong VBF năm 2017 sẽ có hơn 1.000 kiến nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp được gửi đến Chính phủ.

Tin bài liên quan