Ông Nguyễn Trường Nhân bên những người bạn được Thành phố đào tạo về làm lãnh đạo năm xưa.

Ông Nguyễn Trường Nhân bên những người bạn được Thành phố đào tạo về làm lãnh đạo năm xưa.

“Sài Gòn 41 năm”: Cảm nhận của người từng là chủ tịch ở tuổi 25

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, ông Nguyễn Trường Nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã chứng kiến thời khắc Sài Gòn giải phóng và ông cũng thuộc lớp thanh niên đầu tiên được lãnh đạo Thành phố cử đi đào tạo để sau này xây dựng thành phố.

Sài Gòn thời điểm ngày giải phóng như thế nào, chính sách đầu tiên mà lãnh đạo Thành phố đưa ra là gì?

Nhớ lại ngày Sài Gòn giải phóng, khi đó tất cả Thành phố chỉ là đống đổ nát, mục tiêu đầu tiên của những người lính và lãnh đạo tiếp quản Thành phố là bảo vệ bằng được Sài Gòn khỏi bị tái chiếm, chứ chưa suy nghĩ gì đến việc phát triển. Đến năm 1978, khi đã hoàn toàn ổn định, Thành phố bước sang giai đoạn kiến thiết.

Chính sách đầu tiên mà lãnh đạo Thành phố đưa ra là xây dựng một đội ngũ trí thức mới từ những người lính đang cầm súng để làm nòng cốt đưa về các cơ sở, phường, xã làm lãnh đạo. Tôi được cử đi học cùng hàng trăm thanh niên khác.

Khi đó, Sài Gòn đã có những chuyển biến gì, thưa ông?

Trong những năm đó, Thành phố đã thay đổi nhanh chóng về kinh tế, khi liên tiếp tăng trưởng, nhưng cái đi đầu của lãnh đạo Thành phố thời điểm đó là đưa người trẻ được đào tạo qua chiến tranh và trường lớp thực sự về làm lãnh đạo các ban, ngành.

Năm 1983, tôi được điều về làm Chủ tịch phường 2 (quận 3). Các đồng chí khác cùng học với tôi cũng giữ những chức vụ lãnh đạo của các quận, huyện trong Thành phố. Đây là chính sách xây dựng chính quyền cơ sở đầu tiên của Thành phố, mà tới giờ, trên địa bàn vẫn chưa có lãnh đạo phường ở tuổi 25.

Việc lãnh đạo Thành phố  đưa lực lượng vũ trang đi học và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng kinh tế là một tầm nhìn xa để hiện nay, đã có những công ty của các lực lượng vũ trang hoạt động trong lĩnh vực kinh tế rất hiệu quả.

Những công trình lớn nào bắt đầu xuất hiện tại Thành phố?

Công trình đầu tiên được ghi dấu là Thủy điện Trị An. Đồng thời, những cụm công nghiệp và nhà máy cơ khí, cảng biển… cũng đã xuất hiện.

Tại thời điểm đó, ngành nào được Thành phố ưu tiên phát triển nhất, thưa ông?

Trong những năm 1990, ngành được Thành phố phát triển trọng tâm nhất là hải quan, bởi thời điểm đó, Thành phố đã bắt đầu chính sách mở cửa thông thương với quốc tế. Khi đó, thủ tục xuất nhập khẩu hải quan đã được Thành phố đưa ra với mục đích chính là đẩy mạnh bang giao với các nước, thu hút đầu tư, kiều bào về nước. Đây cũng là dấu ấn của Thành phố khi hàng không, cảng biển phát triển khá mạnh.

Tình hình đầu tư của người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua thế nào, thưa ông?

Với công cuộc đổi mới, cùng cải cách hành chính, tình hình thu hút đầu tư của kiều bào đã đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Chính sách về nhà ở, mua nhà, hộ tịch cho Việt kiều hiện giờ đã thông thoáng rất nhiều, tạo thuận lợi hơn cho Việt kiều về nước làm ăn.

Tới thời điểm này, UBND TP.HCM giao Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài của Thành phố gặp gỡ các sở, ngành để giải quyết những khó khăn mà kiều bào gặp phải như thuế, hải quan… cũng như đối thoại giữa kiều bào với lãnh đạo Thành phố, nhằm tháo gỡ những khó khăn, khúc mắc của kiều bào.

Thời điểm này, rất nhiều kiều bào đang đầu tư phát triển Thành phố, như David Dương đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, Khu sử lý rác thải Đa Phước; ông Đặng Dương Mô đầu tư về vi mạch tại Công viên Phần mềm Quang Trung…

Là người gắn bó với các ban, ngành của Thành phố và chứng kiến sự phát triển của Thành phố, theo ông, diện mạo Thành phố sẽ thế nào trong những năm tới?

Thành phố phát triển mạnh, phát triển đều về các mặt. Tuy nhiên, Thành phố cần có những chính sách cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa đối với những người đã hy sinh cho Thành phố, vì thời điểm này, vẫn còn nhiều hộ gia đình chính sách chưa được quan tâm chăm sóc.

Đồng thời, cũng cần có cơ chế thông thoáng hơn cho nhà đầu tư nước ngoài, vì còn quá nhiều thủ tục, gây khó cho việc tiếp cận đầu tư vào Thành phố.

Đối với kiều bào, cần có sự hỗ trợ đặc biệt đối với việc kêu gọi người Việt ở nước ngoài về đầu tư và thu hút người tài về nước làm việc.

Tin bài liên quan