Sách trắng giúp đưa ra chính sách hỗ trợ tối ưu

Bức tranh tổng thể, cụ thể, chi tiết tới từng ngành hàng, lĩnh vực, địa phương của doanh nghiệp vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố trong Sách trắng năm 2020. Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), đây không chỉ là kho dữ liệu vô cùng quan trọng để các bộ, ngành, địa phương hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, mà còn giúp Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra.
Sách trắng giúp đưa ra chính sách hỗ trợ tối ưu

So với bức tranh về doanh nghiệp được TCTK công bố trong Sách trắng năm 2019, bức tranh về doanh nghiệp công bố năm 2020 thay đổi thế nào, thưa ông?

Về cơ bản, bức tranh doanh nghiệp tươi sáng hơn, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 5,2%, trong đó nhiều địa phương có số doanh nghiệp thành lập mới tăng rất cao như Bắc Ninh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng rất mạnh (tăng hơn 17%), trong đó khu vực công nghiệp tăng trên 30%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 16% - đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2019.

Nhưng những con số này đã được công bố trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019?

Số liệu thống kê về doanh nghiệp được công bố hàng tháng, hàng quý, hàng năm chỉ là những con số cơ bản nhất, sơ bộ nhất của doanh nghiệp thành lập mới, giải thể, ngừng hoạt động, quay trở lại thị trường, vốn đăng ký kinh doanh, vốn bổ sung, mà chưa có phân tích, nhận định, đánh giá, so sánh và chưa có các số liệu về doanh nghiệp đang hoạt động như trong Sách trắng về doanh nghiệp. Ví dụ trong Sách trắng có một “điểm mờ” đã được chỉ ra là năm 2019 có khoảng 46.850 doanh nghiệp tồn tại trên giấy tờ, nhưng không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế không biết số doanh nghiệp “ma” này đang hoạt động ở đâu, không thể liên lạc được tăng tới 43,4% so với năm 2018.

Khác với số liệu được công bố trong Sách trắng năm 2019, lần này chúng tôi chia doanh nghiệp ra làm 4 loại là lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Qua số liệu thu thập được và qua phân tích thấy rằng, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì hoạt động càng hiệu quả. Cụ thể, hiện tại số doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,8%; doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm 3,5%; doanh nghiệp nhỏ chiếm hơn 31% và siêu nhỏ chiếm 62,6%, nhưng doanh nghiệp lớn và vừa lại chiếm tới 82,5% doanh thu. Lợi nhuận, đóng góp vào ngân sách nhà nước, thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp lớn và vừa cũng cao hơn rất nhiều so với loại nhỏ, siêu nhỏ.

Từ những con số biết nói này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nghiên cứu chính sách nên ưu tiên hỗ trợ loại doanh nghiệp nào, hỗ trợ ra sao, vì nguồn tài chính chỉ có hạn, không thể ưu tiên hỗ trợ tràn lan, đặc biệt là phải loại bỏ ngay 46.850 doanh nghiệp “ma” khi thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 theo Chỉ thị 11/CT-TTg (ngày 4/3/2020).

Số liệu trong Sách trắng năm 2020 là bức tranh của doanh nghiệp hoạt động năm 2018 và thành lập mới, giải thể, ngừng hoạt động, quay trở lại hoạt động năm 2019. Trong khi doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 kể từ tháng 2/2020?

Hoạt động của doanh nghiệp có tính chất liên tục, nên những số liệu trong Sách trắng năm 2020 là chuẩn xác.

Đơn cử, số liệu về doanh nghiệp “ma” chẳng hạn, nếu không nắm chắc được 46.850 doanh nghiệp “ma” khi thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; giảm tiền lãi, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng; hỗ trợ người lao động… thì rất dễ bị lợi dụng.

Chưa năm nào mà hoạt động sản xuất, kinh doanh lại bất ổn, khó khăn như 4 tháng đầu năm nay và có thể kéo dài hết cả năm 2020 do đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, ngoài số liệu cụ thể, chi tiết về doanh nghiệp hoạt động trong từng ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn được công bố trong Sách trắng năm 2020, TCTK còn thực hiện điều tra trực tuyến trên 126.000 doanh nghiệp để xem doanh nghiệp khó khăn ở mức độ nào, khó khăn do đâu (do khó vay vốn ngân hàng, tiền thuế, tiêu thụ sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, chi phí nhân công…). Từ những số liệu này, chúng tôi tiến hành phân tích và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể hơn, hỗ trợ đúng liều lượng, đúng đối tượng, giảm thiểu tình trạng trục lợi chính sách, lợi dụng chính sách và không bỏ sót, để lọt đối tượng cần phải được hỗ trợ.

Rất nhiều doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, khắc khoải chờ đợi các gói hỗ trợ, theo ông, trước mắt cần làm gì?

Các chính sách hỗ trợ, cứu trợ theo yêu cầu của Chỉ thị 11/CT-TTg đã được cụ thể hóa tại Nghị định 42/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Bộ Tài chính đã và tiếp tục giảm hàng loạt loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh; Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại cơ cấu lại nợ, giảm lãi cho khách hàng gặp khó khăn.

Chính sách đã có, vấn đề bây giờ là phải thực hiện ngay, doanh nghiệp như người ốm rất nặng không thể chờ đợi được, nếu chậm trễ, doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, ngừng hoạt đông rồi thì có muốn hỗ trợ cũng không còn cơ hội và hậu quả để lại rất nặng nề cho cả nền kinh tế lẫn an sinh xã hội.

Các gói hỗ trợ kể trên, theo tôi đã đúng, đã trúng, nhưng chưa đủ vì qua kết quả điều tra 126.000 doanh nghiệp cho thấy, cần phải bổ sung chính sách thiết thực hơn nữa, ví dụ Nhà nước đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, khách sạn, vận tải… không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Hay cũng cần nghiên cứu giải pháp miễn, giảm một phần thuế phải nộp năm 2020 cho doanh nghiệp nếu việc gia hạn thời gian nộp thuế, nộp tiền thuê đất 5 tháng là chưa đủ. Thậm chí cũng nên tính xem có nên giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5% cho một số hàng hóa, dịch vụ hay không.

Hy vọng, cùng với dữ liệu trong Sách trắng năm 2020 và kết quả điều tra về tình hình khó khăn của 126.000 doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 do TCTK thực hiện, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ đưa ra được chính sách tối ưu.

Thưa ông, làm sao đưa ra được chính sách tốt nhất khi mà tình trạng gian lận trong hoạt động kinh doanh vẫn còn nhiều, như vụ Công ty USC Interco đăng ký vốn điều lệ 144.000 tỷ đồng hồi tháng 1/2020 vẫn được ghi nhận là ví dụ điển hình?

Hoạt động đăng ký kinh doanh đã được phân cấp về Sở Kế hoạch và Đầu tư. Theo quy định, khi tổ chức, cá nhân đáp ứng đầy đủ các thủ tục về kinh doanh thì cơ quan cấp phép không có lý do gì ngăn cản họ thành lập doanh nghiệp. Vụ Công ty USC Interco, theo tôi được biết, mấy cá nhân ở một huyện ngoại thành Hà Nội rủ nhau thành lập doanh nghiệp với số vốn “không tưởng” là 144.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi có số liệu, chúng tôi đã nghi ngờ, vì vậy, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2020, chúng tôi vẫn thống kê đầy đủ số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, nhưng lưu ý, nếu không tính doanh nghiệp “siêu khủng” này thì tổng số vốn đăng ký thành lập mới trong tháng 1/2020 chỉ có 123.200 tỷ đồng.

Hiện tại, doanh nghiệp “siêu khủng” này đã bị loại ra khỏi hệ thống doanh nghiệp, nhưng đây là bài học cho công tác quản lý đăng ký kinh doanh theo hậu kiểm. Tôi cũng muốn nói thêm rằng, tình trạng khai báo không trung thực, thậm chí gian lận diễn ra ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, vì vậy, một mặt tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mặt khác phải tăng cường hậu kiểm và xử lý thật nặng đối với hành vi gian lận.

Tin bài liên quan