Quyết định 13 - cú huých cho thị trường điện mặt trời trong năm 2020

Quyết định 13 - cú huých cho thị trường điện mặt trời trong năm 2020

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 13/2020/QÐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, tháo gỡ nút thắt về giá mua điện trong nhiều tháng qua, mở ra cơ hội cho thị trường điện sạch tại Việt Nam phát triển.

Quyết định 13/2020/QÐ-TTg (Quyết định 13) được ký ban hành ngày 6/4/2020, thay thế Quyết định 11/2017/QÐ-TTg đã hết hiệu lực vào tháng 6/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 quy định mức giá mua điện mới áp dụng cho các dự án điện mặt trời nối lưới đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019 và có ngày vận hành thương mại trong giai đoạn từ ngày 1/7/2019 đến hết ngày 31/12/2020 (trừ các dự án đã vào quy hoạch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021 với tổng công suất tích lũy không quá 2.000 MW được áp dụng mức giá mua điện cũ).

Trong bối cảnh cộng đồng nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp cũng như người dân vừa trải qua quãng thời gian đầy khó khăn phòng chống dịch Covid-19, mốc thời gian 31/12/2020 để các dự án điện mặt trời đi vào vận hành thương mại là tương đối thách thức.

Việc gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án hoặc các giao dịch mua bán dự án, ngoài các rủi ro về kỹ thuật và vận hành, các doanh nghiệp còn cần lưu ý đến một số vấn đề về thuế của các dự án năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo tận dụng đúng và đủ các ưu đãi hiện có, giảm thiểu rủi ro thuế và tối ưu hóa chi phí tuân thủ trong mô hình tài chính của dự án.

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, hiện các dự án điện năng lượng mặt trời hoặc năng lượng mặt trời mái nhà có thể được áp dụng các mức ưu đãi khác nhau tùy theo từng trường hợp, bao gồm ưu đãi theo quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đối với dự án năng lượng tái tạo ở mức thuế suất 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm, hoặc theo điều kiện doanh nghiệp thực hiện hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, cụ thể áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp từ 5 - 9 năm, tùy vào địa bàn thực hiện dự án.

Về ưu đãi thuế nhập khẩu, do dự án năng lượng tái tạo thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định, do đó, dự án được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định và miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 5 năm đối với nguyên liệu vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu phục vụ dự án.

Ngoài ra, tùy thuộc vào địa bàn thực hiện, dự án còn có thể hưởng ưu đãi miễn giảm tiền thuê đất.

Tuy nhiên, việc áp dụng ưu đãi cần tuân thủ việc nghiên cứu cẩn trọng các văn bản pháp luật liên quan cũng như thực hiện đúng quy trình thủ tục hành chính theo các quy định về thuế, ưu đãi đầu tư, đất đai, thủ tục xuất nhập khẩu và hồ sơ miễn thuế tại khâu nhập khẩu...

Nói một cách khác, ưu đãi về thuế và đầu tư không tự động áp dụng. Do đó, các doanh nghiệp cần lưu ý rà soát kỹ các yếu tố pháp lý và hồ sơ chứng từ của dự án để tận dụng đúng và đủ các ưu đãi hiện có, đảm bảo một mô hình tài chính dự án lành mạnh.

Trong trường hợp mua bán doanh nghiệp, nội dung về ưu đãi và đáp ứng các điều kiện ưu đãi cũng là một yếu tố quan trọng mà các bên cần soát xét chuyên sâu để có thể cân nhắc và phản ánh đầy đủ các nội dung này vào giá giao dịch cuối cùng, hoặc có những ràng buộc phù hợp trong các điều kiện của thỏa thuận mua bán. 

Mặc dù thị trường điện sạch ở Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức hiện hữu như hệ thống lưới điện quốc gia bị quá tải, thời hạn áp dụng tương đối gấp rút tại Quyết định 13, hay việc chưa có ưu đãi cụ thể đối với các dự án điện mặt trời có công suất lớn hơn 50 kWp…, tuy nhiên chỉ trong vài năm gần đây, Việt Nam đang vươn lên trở thành một điểm sáng thu hút đầu tư trong khu vực cũng như trên thế giới đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.

Tiềm năng là rất lớn do các lợi thế về địa lý (bức xạ nhiệt lớn ở các khu vực phía Nam, diện tích khả dụng lớn…) và các yếu tố kinh tế chính trị xã hội khác của thị trường nội địa.

Vì vậy, nếu giải quyết hài hòa lợi ích các bên trong các vấn đề tồn đọng, Việt Nam sẽ tiếp tục chứng minh là điểm đến an toàn và lý tưởng của các dòng vốn đầu tư trong khu vực cũng như thế giới trong lĩnh vực điện mặt trời trong tương lai gần.

Grant Thornton là công ty quốc tế hàng đầu về kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn giao dịch doanh nghiệp và các dịch vụ kế toán tại Việt Nam. Tra cứu www.grantthornton.com.vn để xem thêm các thông tin hữu ích cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan