Quyền tự chủ cho cơ sở y tế công lập bộc lộ nhiều hạn chế

Được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tổ chức và tài chính, nên các cơ sở y tế công lập khá “tích cực” trong việc liên doanh, liên kết để tạo nguồn thu. Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước), không thể phủ nhận hiệu quả của cơ chế giao quyền tự chủ cho cơ sở y tế công lập, nhưng cơ chế này cũng bộc lộ nhiều hạn chế.
TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước).

TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành III (Kiểm toán Nhà nước).

Mỗi năm, ngân sách nhà nước giảm được hàng chục ngàn tỷ đồng chi cho lĩnh vực y tế nhờ thực hiện cơ chế giao quyền tự chủ cho các cơ sở y tế. Không thể phủ nhận kết quả đạt được do cơ chế tự chủ đem lại, thưa ông?

Năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2006/NĐ-CP giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh công lập phải đối diện với áp lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ nhất định. 

Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh với mức độ chủ động cao hơn, tạo điều kiện cho các bệnh viện công lập chủ động khắc phục được phần nào khó khăn về nguồn kinh phí phục vụ công tác khám, chữa bệnh, mua sắm trang thiết bị, vật tư, y tế, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân. 

Việc này cũng đã giúp các bệnh viện tăng thu nhập cho nhân viên; huy động được nguồn lực từ khu vực tư và chủ động sử dụng đòn bẩy tài chính vào phát triển hạ tầng, trang thiết bị, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao phục vụ bệnh nhân. 

Cơ chế tự chủ đem lại quyền lợi không thể bàn cãi đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, đồng thời cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn trong bối cảnh ngân sách nhà nước cấp kinh phí chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế mỗi năm một giảm. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ đã nảy sinh không ít bất cập. Chính vì vậy, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016 - 2018 trên toàn quốc. Trước đây, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Kiểm toán các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện những bất cập gì trong cơ chế giao quyền tự chủ, thưa ông?

Cơ chế tự chủ đã được thực hiện 13 năm, nhưng đến giờ vẫn có quan niệm khác nhau về tự chủ. 

Có quan điểm cho rằng, tự chủ đồng nghĩa với việc bệnh viện công lập phải tự trang trải kinh phí để duy trì bộ máy khám, chữa bệnh và tất cả các chi phí này được kết chuyển vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh và người bệnh phải chi trả toàn bộ, ngân sách nhà nước không cấp kinh phí. Có thể nói, quan niệm này vô hình trung đã tạo áp lực cho các bệnh viện, nhất là bệnh viện ít bệnh nhân, bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện đa khoa tại tỉnh nghèo. Chính vì vậy, nhiều bệnh viện lo lắng việc này cản trở cơ chế tự chủ.

Quan điểm thứ hai cho rằng, thực hiện tự chủ, nhưng bệnh viện vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, đồng thời phát triển nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để phục vụ bệnh nhân có khả năng chi trả, kể cả áp dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ chăm sóc đặc biệt... 

Quan niệm này giúp các bệnh viện phát huy hết năng lực của mình. Tuy nhiên, điều này dẫn đến sự bất bình đẳng giữa các bệnh nhân và thậm chí là bất bình đẳng ngay trong chính các viên chức (người làm dịch vụ và người không làm dịch vụ). Thực tế đã xuất hiện việc chèo kéo bệnh nhân, tạo sự quá tải cho một số cơ sở khám, chữa bệnh.

Muốn tăng nguồn thu, mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, đơn vị sự nghiệp công lập phải liên doanh, liên kết nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, thưa ông, tài sản lớn nhất của đơn vị sự nghiệp công lập là quyền sử dụng đất thì lại bị luật pháp cấm đem quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết?

Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, nhưng không được sử dụng tài sản do Nhà nước giao; tài sản được đầu tư, xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước; và quyền sử dụng đất được giao để thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác, trong đó có việc sử dụng quyền sử dụng đất vào liên doanh, liên kết. Ngay cả quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đã trả tiền thuê một lần cho cả thời gian thuê cũng không được đem làm tài sản đi liên doanh, liên kết nếu không được cơ quan có thẩm quyền đồng ý.

Tài sản công, trong đó có đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nên chỉ để phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, phục vụ lợi ích của cộng đồng. Do vậy, không được sử dụng tài sản công vào mục đích riêng, chỉ phục vụ một số nhóm đối tượng. 

Việc không cho phép lấy quyền sử dụng đất để đem liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế khi thực hiện cơ chế tự chủ không có gì vướng mắc. Bởi trên thực tế, không ai đem cả bệnh viện hoặc một phần bệnh viện để liên doanh, liên kết với khu vực tư nhân, mà giữa tư nhân với bệnh viện chỉ thỏa thuận hợp đồng mở thêm khoa, phòng chất lượng cao; đầu tư, trang bị, mua sắm thiết bị y tế hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho một bộ phận người dân có khả năng chi trả, hạn chế tình trạng người dân ra nước ngoài khám chữa bệnh với chi phí tới 2 - 3 tỷ USD/năm.

Không được đem giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh, liên kết thì các bệnh viện lấy đâu ra tài chính để hợp tác kinh doanh với khu vực tư nhân trong khám chữa bệnh, thưa ông?

Có thể huy động vốn từ nhân viên y tế là người lao động trong bệnh viện, vay vốn của các ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Phát triển để cùng đầu tư. 

Trên thực tế, khi liên doanh, liên kết với bệnh viện, nhà đầu tư không nhìn vào đất đai và cũng không nhìn vào giá trị vốn góp của bệnh viện vào dự án. Cái mà họ nhìn vào chính là thương hiệu của bệnh viện, là đội ngũ nhân viên y tế có trình độ cao, đặc biệt là các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ đầu ngành đang làm việc tại bệnh viên và họ nhìn vào lượng khách hàng (bệnh nhân) của bệnh viện. Vì vậy, với liên doanh, liên kết trong lĩnh vực y tế, nguồn lực tài chính và đất đai của bệnh viện không phải là vấn đề quan trọng.

Nếu đất đai và tài chính không phải là vấn đề quan trọng, thì những bệnh viện lớn như Bệnh viện K, Bạch Mai, Việt Đức, Từ Dũ… sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phục vụ những bệnh nhân có điều kiện chi trả?

Mặc dù được tự chủ 100% về tài chính, nhưng nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị sự nghiệp công lập là phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và dù có hoạt động liên doanh, liên kết cũng không được làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao. Với cơ sở y tế tự chủ, nếu có liên doanh, liên kết thì vẫn phải bảo đảm khám chữa bệnh cho tất cả người dân, cả người nghèo, người tham gia bảo hiểm y tế và người có khả năng chi trả.

Ví dụ, Bệnh viện K là cơ sở y tế đầu ngành trong lĩnh vực chữa trị bệnh ung thư, nên bắt buộc phải khám, chữa bệnh cho tất cả bệnh nhân, dù người đó là người nghèo chỉ có thẻ bảo hiểm y tế do Nhà nước mua hộ, chứ không phải vì bệnh viện có liên doanh, liên kết mà đẩy bệnh nhân sang khám chữa bệnh dịch vụ và phải trả viện phí cao hơn quy định.

Nhà nước khuyến khích khu vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực y tế, nếu nhà đầu tư muốn cung cấp dịch vụ thuần túy, chỉ phục vụ “người có điều kiện”, thì có thể thành lập bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, còn đã liên doanh, liên kết với bệnh viện thì không được”cạnh tranh” thu hút bệnh nhân trong chính bệnh viện.

Tin bài liên quan