Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Quốc hội xem xét về việc kéo dài thời hạn thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 5/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường xem xét Báo cáo về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2016/QH14 là chủ trương đúng đắn.

Quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được các mục tiêu mà Quốc hội đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần tích cực vào công cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện của nước ta hiện nay.

Trên cơ sở tổng kết, Chính phủ xác định cần phải tiếp tục thực hiện thí điểm nhằm tổng kết, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa tác động của chính sách này đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Chính phủ đề nghị xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm, kể từ ngày 1/2/2019.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, trên cơ sở xem xét, đánh giá Báo cáo số 518/BC-CP ngày 22/10/2018 của Chính phủ tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 ngày 22/11/2016 của Quốc hội (Nghị quyết), Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) cho rằng;

Báo cáo của Chính phủ đã thể hiện khá đầy đủ quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, nêu rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân; có số liệu cụ thể, chi tiết về kết quả thực hiện Nghị quyết; đồng thời kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 2 năm kể từ ngày 1/2/2019.

UBQPAN nhận thấy, ngay sau khi Nghị quyết của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương và tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng xây dựng Nghị định quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; bố trí nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm để kịp thời thi hành Nghị quyết theo đúng thời gian Quốc hội giao.

UBQPAN đánh giá cao việc tổ chức triển khai và kết quả thi hành Nghị quyết, trong đó Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị định số 07/2017/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử phù hợp và bám sát yêu cầu thực tế, không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, mà còn xác định cụ thể các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử phù hợp với quy định của Nghị quyết, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả.

Tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện thí điểm bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử bằng nhiều thứ tiếng phù hợp với đối tượng thực hiện.

Ưu tiên bố trí nhân lực, tổ chức tập huấn cho lực lượng trực tiếp làm công tác cấp thị thực và kiểm soát xuất, nhập cảnh bằng thị thực điện tử; bảo đảm kinh phí, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện bảo đảm khác đáp ứng yêu cầu thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử.

Việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử đã đạt được những kết quả tích cực về đối ngoại, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, UBQPAN cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

UBQPAN đề nghị phân tích, làm rõ thêm một số nội là: Đánh giá rõ hơn hiệu quả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý. Đánh giá làm rõ hơn những nguyên nhân tồn tại, trong đó tập trung làm rõ lý do đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thí điểm...

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử, UBQPAN cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ đã nêu trong Báo cáo, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30/2016/QH14 trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1/2/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này;

Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm. Nội dung này đề nghị Quốc hội cho quy định trong Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 6.

Trong thời gian tiếp tục thực hiện thí điểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất điều chỉnh danh sách các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của việc thí điểm; sớm xử lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thiết thực.

Tin bài liên quan