Tỉnh Quảng Trị sẽ có thêm chính sách để hỗ trợ địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ organic.

Tỉnh Quảng Trị sẽ có thêm chính sách để hỗ trợ địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ organic.

Quảng Trị: Mở rộng các mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ organic

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đang hỗ trợ các gia đình trồng cam tiến hành thủ tục làm truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vùng sản xuất an toàn thực phẩm cho vùng cam hữu cơ. 

Vừa qua, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đi kiểm tra các mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ organic và tình hình thu hoạch vụ hè thu. Tại đây, ông Chính đã có những chỉ đạo cụ thể về định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ được xem là rất có tiềm năng trong ngành nông nghiệp tỉnh này.

Bước vào vụ hè thu 2019, Quảng Trị chịu ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn gay gắt, toàn tỉnh có hơn 800 ha hồ tiêu, gần 800 cây rau màu, 200 ha lạc bị thiệt hại trên 70% do khô hạn, thiếu nước. Đặc biệt, có khoảng 6.000 ha lúa bị khô hạn, chưa trổ, nguy cơ mất mùa do khô hạn và lũ lụt cuối mùa là rất lớn.

Diện tích gieo cấy lúa vụ hè thu 2019 toàn tỉnh ước đạt 22.580 ha, đạt 101,3% kế hoạch. Trong đó, diện tích sản xuất cánh đồng lớn đạt hơn 4.000 ha (diện tích sản xuất lúa hướng hữu cơ theo công nghệ Ong Biển đạt 89,1 ha). Đến nay, có 19.075 ha lúa đã trổ, có gần 400 ha lúa tại huyện Hải Lăng đã thu hoạch. Năng suất lúa toàn tỉnh chưa đánh giá được, riêng huyện Hải Lăng lúa tiếp tục được mùa, năng suất tương đương vụ hè thu năm trước, ước đạt 61 tạ/ha.

Bên cạnh đó, Quảng Trị hiện có hơn 160 ha trồng cam, riêng huyện Hải Lăng có 60,5 ha, trong đó có 7,7 ha cam canh tác hữu cơ theo công nghệ Obi – Ong Biển. Mô hình canh tác cam theo hướng hữu cơ đã thực hiện được 2 vụ, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt chất lượng cao, giá bán cao hơn canh tác truyền thống 25 – 30%.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đang hỗ trợ các gia đình trồng cam tiến hành thủ tục làm truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vùng sản xuất an toàn thực phẩm cho vùng cam hữu cơ. Dự kiến mùa vụ thu hoạch cam bắt đầu từ tháng 9 năm nay.

Theo đánh giá sơ bộ, niên vụ năm 2019, năng suất bình quân dự kiến đạt 30 – 35 tấn/ha; giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg, cho thu nhập 750 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 300 triệu đồng – 350 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất cam truyền thống 50 triệu đồng – 100 triệu đồng/ha).

Tại chuyến kiểm tra, ông Nguyễn Đức Chính đánh giá cao việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cam và lúa của các địa phương. Với những thành công đang gặt hái được, địa phương cần tiếp tục chú trọng, nhân rộng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, đặc biệt là chuyển đổi diện tích để trồng một số loại cây theo hướng hữu cơ organic phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, miền như lúa, cam, chanh leo… Trước mắt cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ hè thu 2019 trước mùa mưa bão đang tới gần.

“Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có một số chính sách để hỗ trợ địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ organic đã thành công cũng như xây dựng thương hiệu, liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm…” - ông Chính nói.   

Tin bài liên quan