Dự kiến, hơn 3.000 dòng hàng và hơn 2.800 điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục được cắt giảm trong thời gian tới.

Dự kiến, hơn 3.000 dòng hàng và hơn 2.800 điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục được cắt giảm trong thời gian tới.

Quan trọng nhất là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, để tạo ra sự thay đổi lớn, sắc nét về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, thì điều quan trọng nhất là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.  

Xây dựng Chính phủ điện tử, thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính… là những bước đi quyết liệt nhằm cải cách môi trường kinh doanh. Theo ông, việc triển khai những giải pháp này đã cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ra sao?

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. 

Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao, cho thấy nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đạt được nhiều kết quả khả quan, được các tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận, đánh giá cao.

Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh năm 2017 - 2018 của Việt Nam tăng 23 bậc, từ vị trí 91 lên 68/190 nền kinh tế; trong ASEAN, Việt Nam duy trì vị trí thứ 5/10 quốc gia thành viên.

Theo đánh giá của tổ chức này, năm 2018, chỉ số logistics của Việt Nam xếp thứ 39/160 quốc gia, tăng 25 bậc so với năm 2016; trong năm 2016 và 2017, Việt Nam duy trì vị trí Top 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu khu vực ASEAN...

Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 - 2018 của Việt Nam tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60/138 lên 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ; chỉ số phát triển bền vững xếp thứ 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 11 bậc, đứng thứ 3 khu vực ASEAN); chỉ số logistics xếp thứ 39/160 quốc gia (tăng 25 bậc so với năm 2016).

Đi vào những vấn đề cụ thể thì mới thấy đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và quốc tế là có cơ sở.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 đạt 6,81%, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục được cải thiện ở mức 6,8%.

Thủ tục hành chính ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và thuận lợi hơn so với trước đây. Điều kiện kinh doanh đã và đang được cắt giảm.

Theo đó, từ đầu năm 2018 đến nay, 1.700 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu và 968 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm; dự kiến hơn 3.000 dòng hàng và hơn 2.800 điều kiện kinh doanh sẽ tiếp tục được cắt giảm trong thời gian tới.

Về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đến nay có gần 30 địa phương thành lập Trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương. Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định.

Trong 8 tháng đầu năm 2018, có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878.600 tỷ đồng (số doanh nghiệp và số vốn đăng ký đều tăng so với cùng kỳ năm 2017); tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế là hơn 2,558 triệu tỷ đồng; tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là gần 108.400 doanh nghiệp.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến nay thu hút được 1.918 dự án cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt gần 13,482 tỷ USD, tăng về số dự án và số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017.

Có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm…

Tôi cho rằng, những con số nêu trên là kết quả của những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, cũng như sự nỗ lực thực hiện của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong suốt thời gian qua. 

Ông có thể cho biết, sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã mang lại những lợi ích nào cho doanh nghiệp, nhất là trên khía cạnh tiết kiệm về thời gian, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính?

Như đã nói ở trên, những thay đổi, cải thiện về môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thông thoáng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình gia nhập thị trường, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, đầu tư phát triển.

Lợi ích rõ rệt nhất mang lại cho doanh nghiệp chính là việc cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức trong quá trình sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, các cải cách, cắt giảm về thủ tục, điều kiện kinh doanh đã góp phần giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính về gia nhập thị trường, về xây dựng cơ sở sản xuất - kinh doanh; giảm chi phí đầu vào sản xuất - kinh doanh (tín dụng và dịch vụ thanh toán, lao động, khoa học công nghệ, logistics và thương mại qua biên giới).

Các chính sách phí và lệ phí được cắt giảm cũng giúp giảm chi phí chính thức cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các quy định, thủ tục hành chính rõ ràng, minh bạch cùng với việc nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần đáng kể trong việc giảm các chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải chi trả trong quá trình giải quyết công việc liên quan tới cơ quan hành chính nhà nước.

Ví dụ, trong lĩnh vực hải quan, năm 2016, các doanh nghiệp tốn khoảng gần 30 triệu ngày công cho kiểm tra chuyên ngành với chi phí khoảng 14.300 tỷ đồng, thì năm 2017, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD.

Ước tính, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, các doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng), tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho đối với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 34 triệu giờ lưu kho đối với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu.

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm toàn bộ thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 5 nhóm sản phẩm, 90% lô hàng thực phẩm không phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), giúp tiết kiệm gần 2,9 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỷ đồng.

Những kết quả bước đầu này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận tích cực. Đó cũng là động lực để chúng ta tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn, có những kết quả rõ ràng hơn trong thời gian tới. 

Theo ông, những kết quả về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh đã mang lại dư địa mới nào cho tăng trưởng kinh tế?

Thứ nhất, trong các định hướng chuyển đổi, thì chuyển đổi về thể chế là quan trọng nhất. Từ việc cải cách thủ tục hành chính, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về cơ chế, chính sách, quy định hành chính giúp cho cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế nói chung và thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh nói riêng, tạo sự đồng bộ, kiểm soát nền kinh tế thị trường bằng pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hồ sơ, giấy tờ nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ ở cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ ba, tận dụng tối đa những lợi thế cạnh tranh của các địa phương và khu vực để thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế địa phương; các địa phương cần nỗ lực cải cách nhiều hơn nữa để không bị tụt hậu.

Thứ tư, gắn kết doanh nghiệp vào công cuộc hoàn thiện thể chế, phát triển đất nước. 

Trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, những khó khăn, thách thức hiện nay là gì, thưa ông?

Một trong những khó khăn, thách thức mà nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh đang phải đối mặt là quyết tâm chính trị và sự vào cuộc chưa đồng đều của các bộ, ngành.

Nguyên nhân sâu xa là do việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành sẽ ảnh hưởng tới lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, cơ quan quản lý trên từng lĩnh vực.

Doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý nhà nước mất đi quyền lợi, vai trò, nên các đơn vị tham mưu của các bộ, ngành, cơ quan không dễ dàng từ bỏ các lợi ích này.

Trong việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, có những bộ rất tích cực như Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, nhưng cũng còn một số bộ chưa quyết liệt, kết quả cải cách còn chậm.

Việc cắt giảm các dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành cũng không đạt được kết quả đồng đều giữa các bộ; các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, chịu sự kiểm tra của hai bộ, ngành trở lên chưa được kịp thời đề xuất theo hướng một cơ quan duy nhất quản lý thống nhất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Vậy đâu là những giải pháp trọng tâm sẽ được triển khai trong thời gian tới nhằm tiếp tục tạo ra sự thay đổi lớn, sắc nét về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh?

Để tạo ra sự thay đổi lớn, sắc nét về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thì điều quan trọng nhất là tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Thời gian tới, những giải pháp mang tính chất lâu dài nhằm cải cách môi trường đầu tư kinh doanh như cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành… cần được các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, triển khai tích cực và có hiệu quả hơn.

Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp như cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết các công việc liên quan tới doanh nghiệp;

Triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính;

Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phát huy vai trò của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Một giải pháp quan trọng khác là thúc đẩy Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng đối với công cuộc cải cách của Chính phủ.

Tin bài liên quan