Các chính sách không nhất quán, ưu đãi bị chấm dứt một cách đột ngột khiến nhà đầu tư bất an

Các chính sách không nhất quán, ưu đãi bị chấm dứt một cách đột ngột khiến nhà đầu tư bất an

Quan ngại chậm cải thiện môi trường kinh doanh

(ĐTCK) Sự chậm trễ triển khai các giải pháp cụ thể để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường ở cấp thực thi là các bộ ngành và cơ quan trực tiếp quản lý đang trở thành mối quan ngại lớn của các nhà đầu tư.

Sự lo lắng của nhà đầu tư là có cơ sở khi những diễn biến gần đây cho thấy, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế, không phải tất cả các bộ ngành, địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Dẫn số liệu từ tiến trình cải cách của các cơ quan bộ ngành trong thời gian qua tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 mới đây, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch VBF cho biết, sau 4 năm đưa vào thực hiện, cơ chế một cửa quốc gia - cơ chế nền tảng để hiện đại hóa và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu mới chỉ triển khai được 47/245 thủ tục (chiếm 19% tổng số thủ tục xuất nhập khẩu).

Trong số 47 thủ tục đã được thực hiện, không ít trường hợp chưa điện tử hóa đồng bộ, thậm chí còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Về cải cách trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như cắt giảm điều kiện kinh doanh, kết quả sau 3 năm thực hiện vẫn còn quá thấp so với mục tiêu đặt ra, chưa đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Không chỉ chậm trễ, sự thiếu thống nhất, chồng chéo và cứng nhắc trong việc vận dụng, diễn giải và thực thi khung chính sách, thể chế của các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang là những vấn đề nổi trội.

Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham)  ông Kim Heung Soo dẫn chứng các trường hợp làm ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư như doanh nghiệp Vina Pioneer (Hưng Yên) nhận được thông báo của Tổng cục Thuế về việc chấm dứt ưu đãi một cách đơn phương khi vẫn còn thời hạn ưu đãi được bảo đảm trong Luật Đầu tư.

Tập đoàn Thép Posco đang thực hiện liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển giao công nghệ, tuy chưa hết thời hạn liên doanh nhưng đã bị thu hồi lại đất để cấp mới quyền sử dụng đất cho một doanh nghiệp Việt Nam khác. Điều này khiến liên doanh của Thép Posco không thể tiếp tục và phải kết thúc trước hạn.

“Các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài nói chung đều coi đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Các chính sách không nhất quán, ưu đãi bị chấm dứt một cách đột ngột khiến nhà đầu tư bất an, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Kim Heung Soo nhận xét.

Trước thực tế này, ông Lộc cho biết, những đề xuất mạnh mẽ để đảm bảo tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đã được gửi tới đại diện Chính phủ. Theo đó “để bảo đảm tính hiệu quả và thực chất của các hoạt động này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan thường xuyên thông tin, tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời, yêu cầu các báo cáo hay đánh giá về hiệu quả thực hiện trước khi trình Chính phủ cần có ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp”.

Đề xuất giải pháp cụ thể, ông Kojji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gợi ý, Chính phủ có thể đưa vào thực hiện thí điểm dự án đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, theo đó chọn Tổng cục Hải quan để tổ chức thí điểm, phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp các nước thực hiện nhiều hoạt động đẩy nhanh tiến trình minh bạch hóa và tiến độ xử lý thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, ông Ito cũng nhắc lại đề nghị đã đưa ra từ năm ngoái là cần thành lập một ủy ban mới có đầy đủ quyền hạn tiếp nhận, xử lý mọi vấn đề phát sinh, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, có quy định thống nhất về việc sử dụng các công văn hướng dẫn thực thi luật nhằm đảm bảo thống nhất trong các ứng xử, dẫn chiếu luật pháp đối với doanh nghiệp.

“Chúng tôi hy vọng chương trình này sớm được thực hiện để có được những giải pháp thực tiễn, hiệu quả, với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ”, ông Kojji Ito nhấn mạnh. 

Theo số liệu của VCCI, sau 3 năm thực hiện cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, số mặt hàng được loại khỏi diện kiểm tra chuyên ngành chỉ chiếm chưa đầy 6%. Trong số 164 Danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 63 Danh mục chưa được các bộ ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS nhưng chưa phù hợp (chiếm tới 36% số Danh mục).

Thời gian cho kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn đến ba lần so với các nước ASEAN4. Về cắt giảm điều kiện kinh doanh, mặc dù Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh, nhưng cho đến thời điểm này, mới chỉ có Bộ Công thương đã soạn thảo và trình Chính phủ Nghị định theo yêu cầu. 4 bộ khác là Nông nghiệp, Xây dựng, Tài chính, Y tế đã soạn thảo Nghị định, gửi VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp. Còn lại các bộ khác đang làm gì, làm tới giai đoạn nào, giải pháp cắt giảm có phù hợp không thì doanh nghiệp không được biết, cũng không được tham gia ý kiến.

Tin bài liên quan