Dự án cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Dự án cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm

PPP gọi nhà đầu tư bằng ưu đãi thật

Phân chia rõ rủi ro cũng như rành mạch về ưu đãi trong các dự án hợp tác công – tư (PPP) sẽ là lực hút kéo giới đầu tư tư nhân tới hình thức đầu tư này.

Tập đoàn Viettel đã phải chấp nhận rút mong muốn tham gia dự án Dự án đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa theo hình thức PPP. Lý do rất đơn giản là vì cơ sở hạ tầng giao thông không nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính của Tập đoàn nhà nước này.

Theo ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù không hạn chế doanh nghiệp nhà nước tham gia vào dự án PPP, song việc đầu tư của doanh nghiệp này phải đảm bảo tập trung vào nhiệm vụ chính, đúng ngành nghề kinh doanh chính.

Với thông tin này, có thể tổ hợp nhà đầu tư Fecon, Cienco1 và Contecons cũng như nhiều nhà đầu tư khác đang bày tỏ mối quan tâm đặc biệt tới Dự án cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa sẽ cảm thấy cơ hội tham gia vào dự án này rộng mở hơn. Lý do, đây là tuyến đường quan trọng, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nên cho dù có suất đầu tư lớn, dự án vẫn được công ty tư vấn đánh giá là khả thi khi đầu tư theo hình thức PPP có sự hỗ trợ của Chính phủ và đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.

Cũng phải nói thêm, dự án này đang được rốt ráo thực hiện lựa chọn chủ đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2014 theo kế hoạch. Nhiều khả năng, nhà đầu tư của Dự án này sẽ được hưởng thụ ngay những điểm lợi lớn theo quy định của Dự thảo Nghị định lựa chọn nhà đầu tư mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn tất để kịp trình Chính phủ ban hành cùng thời điểm hiệu lực của Luật Đấu thầu (1/7/2014).

Bởi, theo nguyên tắc đầu tư được quy định tại Dự thảo Nghị định này, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thỏa thuận bình đẳng, công bằng trên cơ sở hợp đồng dự án, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên liên quan, tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện dự án, thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.  

Đây là lý do mà ông Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật Vietbid cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất quan tâm bởi lâu nay, việc đàm phán các hợp đồng PPP, bao gồm cả các hình thức BOT, BT..., thường bị kéo dài do khó thống nhất trong phân chia rủi ro. Điển hình là các dự án BOT trong ngành điện đang có thời gian đàm phán trung bình lên tới 6 năm.

“Các nhà đầu tư muốn làm rõ nguyên tắc nhà nước phải cùng gánh chịu rủi ro khi thực hiện dự án như rủi ro về chính sách, rủi ro thi công... thì thuộc trách nhiệm gánh vác của bên nào... Khi cả lợi ích và rủi ro cùng được đặt lên bàn thì nhà đầu tư mới đủ điều kiện đưa ra quyết định”, ông Hà phân tích.

Theo Dự thảo Nghị định lựa chọn nhà đầu tư, rủi ro trong thực hiện dự án cũng được đàm phán cẩn trọng và ghi rõ trong hợp đồng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đề nghị phải quy định cả những rủi ro không thuộc khả năng kiểm soát của hai bên, như những thay đổi về pháp luật...

Ngay cả ưu đãi về đất đai được đưa trong Dự thảo theo hướng là miễn tiền sử dụng đất với diện tích được nhà nước giao hoặc miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án cũng được đề nghị xem lại, cho phép được áp  dụng mức giá tượng trưng và nộp một lần, vì với mức ưu đãi là miễn này, nhà đầu tư sẽ không được quyền thế chấp quyền sử dụng đất...

Giới hạn của công khai cũng đang được đặt ra, nhất là với các dự án do nhà đầu tư đề xuất, để đảm bảo lợi ích cho cả phía nhà nước, tránh tình trạng nhà đầu tư tự đề xuất “thái quá”. Luật sư Phạm Minh Hải, Công ty TNHH Vision & Asscociate cho rằng, nếu không làm rõ thông tin được phép công khai, không nhà đầu tư nào muốn đề xuất dự án vì bất lợi sẽ nghiêng về phía họ.

Hiện tại, các địa phương đang đề xuất khoảng 200 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Danh mục ưu tiên xem xét có khoảng 10 dự án. Trong đó nổi bật là Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Bình Thuận), với tổng mức đầu tư 680 triệu USD.

Tin bài liên quan