Nhập siêu tăng cho thấy cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất ảnh hưởng cán cân thương mại, tác động tỷ giá, lạm phát… (Ảnh Internet)

Nhập siêu tăng cho thấy cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất ảnh hưởng cán cân thương mại, tác động tỷ giá, lạm phát… (Ảnh Internet)

PMI tháng 6 giảm, những cảnh báo sớm cho kinh tế

(ĐTCK) Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) nhận định, tăng trưởng tiếp tục duy trì đà phục hồi 6 tháng  đầu năm 2015 ước đạt 6,1% (so với cùng kỳ năm trước), trong đó quý 1 tăng 6,03% và quý 2 tăng 6,15%.

Với đà phục hồi trên, UBGS dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%. Đặc biệt, tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,1% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (5,8%).

Đối với câu chuyện lạm phát, CPI tháng 6 là 1% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,37%, nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 4 tháng gần đây. Với mức lạm phát ổn định, UBGS dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.

Điều này tác động đến niềm tin kinh doanh và đầu tư của DN được củng cố với DN thành lập mới tăng gần 22% về số lượng DN và trên 20% về số vốn đăng ký tính chung 6 tháng đầu năm, so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu cũng lạc quan hơn khi giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 6 tăng gấp rưỡi so với giai đoạn đầu năm.

Tuy nhiên, một thông tin kém lạc quan là Báo cáo Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam do Markit và Nikkei vừa công bố cho thấy, mặc dù sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng vào cuối quý II/2015, tốc độ tăng trong tháng 6/2015 của ngành sản xuất đã chậm lại.

Cụ thể, PMI đã giảm từ 54,8 điểm trong tháng 5/2015 xuống 52,2 điểm vào tháng 6/2015. Điều này cho thấy, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục được cải thiện nhưng ở mức yếu nhất trong 3 tháng qua.

Cụ thể hơn, Báo cáo PMI cho biết sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tháng 6/2015 tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 3/2015. Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm lần đầu tiên trong 4 tháng qua với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 7/2013. Đơn đặt hàng tăng chậm lại đã góp phần làm giảm lượng công việc tồn đọng.

Có đến 5 trong 6 tháng qua, lượng công việc tồn đọng của ngành sản xuất đã giảm. Tháng 6/2015, các nhà sản xuất Việt Nam tiếp tục gia tăng nguồn nhân lực, tuy nhiên, tốc độ tạo việc làm của ngành sản xuất đã tăng chậm lại xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua.

Nhập siêu, thu ngân sách... 

Chuyên gia Andrew Harker của Markit nhận định: “Mặc dù số liệu PMI tháng 6 của Việt Nam nhìn chung tích cực, nhưng tăng trưởng rõ ràng đã chậm lại so với mức tăng mạnh của tháng 4 và tháng 5. Điểm đặc biệt đáng lo là sự suy giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới khi các công ty cho biết nhu cầu của khách hàng nước ngoài đã yếu đi”.

Dù đưa ra những con số “đẹp” về tình hình vĩ mô nhưng UBGS cũng nhận định còn nhiều khó khăn thách thức những tháng cuối năm liên quan đến câu chuyện nhập siêu, thu ngân sách nhà nước chậm và kế hoạch phát  hành  trái  phiếu Chính phủ gặp khó khăn.

Số liệu cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu. Nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng xuất khẩu (so với cùng kỳ) chưa bằng một nửa cùng kỳ 2014 (7,3% so với 15,4%). Trong khi đó, nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập các mặt hàng phục vụ sản xuất như: điện tử, máy tính, linh kiện tăng 36,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện khác tăng 35,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 21,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 12,8%...

“Con số nhập siêu tăng cho thấy cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất ảnh hưởng cán cân thương mại, tác động tỷ giá, lạm phát…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Lũy kế đến ngày 15/06 tổng thu ngân sách nhà nước tăng 7,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 16,2%). Bên cạnh đó, tính đến 17/6 phát hành trái phiếu kho bạc nhà nước chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014; mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và  chưa  đạt  được  1/3  kế  hoạch  cả  năm 2015.

TS. Hiếu nói: “Trong khi tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi cho Việt Nam thì những nguồn đầu tư tìm nơi ổn định nhưng Việt Nam chưa được xem là thực sự ổn định mà ở mức không khuyến khích. Những yếu tố nội tại, khách quan cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ phải đối phó với nhiều vấn đề”

.

Tin bài liên quan